SGGPO
Tối 21-5, lễ kỷ niệm 995 năm Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ và lễ công bố quyết định Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã diễn ra tại Hà Nội.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã trao quyết định ghi danh Hội thề Trung hiếu Đền Đồng Cổ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và tặng hoa chúc mừng.
Đồng Cổ là ngôi đền linh thiêng được vua Lý Thái Tông ra lệnh khởi dựng cách đây 995 năm, tại Hà Nội. Đền thờ thần Trống Đồng và gắn với Hội thề Trung hiếu với mục tiêu sâu sắc là giáo dục, răn dạy các quần thần tướng sĩ và con dân về vai trò, ý nghĩa của lòng trung hiếu trong thiên hạ đối với sức mạnh vô địch của dân tộc là tinh thần đoàn kết, thương yêu, gắn bó lẫn nhau. Nghi thức này tiếp tục được duy trì ở thời Trần và thời Lê, và đến ngày nay, tiếp tục được mô phỏng lại bởi nhân dân địa phương vào ngày lễ hội của đền.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự và tặng hoa chúc mừng. |
Bên trong đền Đồng Cổ còn giữ được 12 đạo sắc phong từ năm 1740 đến năm 1883, mang các niên hiệu: Cảnh Hưng, Chiêu Thống, Quang Trung, Cảnh Thịnh, Thiệu Trị, Tự Đức. Ngày 31-1-1992 đền được công nhận Di tích Lịch sử quốc gia.
Hiện nay, đền lại tiếp tục duy trì lệ thề truyền thống. Đến mùng 4 tháng 4 âm lịch hằng năm, thôn Nam phường Bưởi mở hội. Không chỉ nhân dân và đại diện chính quyền sở tại mà đông đảo khách thập phương cũng về đây tham gia lễ hội.
Hội thề đền Đồng Cổ có giá trị đặc biệt trong hệ thống di sản văn hóa Việt Nam, thể hiện rõ tinh thần yêu nước, lòng trung thành và sự hiếu nghĩa của người Việt Nam.
Sau phần nghi lễ trang trọng, phần hội là chương trình nghệ thuật đặc biệt với màn kịch múa sử thi về truyền tích của ngôi đền Đồng Cổ và vua Lý Thái Tông khai mở ra Hội thề Trung Hiếu sau sự kiện Loạn Tam Vương.
Chương trình có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSND Thúy Ngần, NSƯT Thùy Linh, NSƯT Lương Huy, nhóm trống Đông Đô, Nhà hát Tuồng Việt Nam. Tổng biên đạo múa của chương trình là Hải Trường Ali Dương Phạm |
Trong sự kết hợp giữa âm nhạc, múa, hiệu ứng ánh sáng, màn kịch sử thi và các trình thức trình diễn di sản văn hóa truyền thống như hát xẩm, chèo, diễn ca, múa trống, rước rồng… tạo thành một câu chuyện truyền tích chi tiết về ngôi đền Đồng Cổ, thần Đồng Cổ, Đức minh quân Lý Thái Tổ và miền đất kinh kỳ, Tây Hồ ngàn năm văn hiến.