Tình huống đại dịch phức tạp
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia có tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản vắc xin Covid-19 thấp trước tiên cần tập trung tăng cao tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản cho các nhóm có mức độ ưu tiên cao. Các quốc gia đã đạt tỷ lệ bao phủ mũi cơ bản từ trung bình đến cao (trong đó có VN) cần tập trung tăng cao tỷ lệ bao phủ mũi nhắc lại cho các nhóm có mức độ ưu tiên cao trước khi triển khai tiêm vắc xin cho các nhóm có mức độ ưu tiên thấp. Trẻ em cần được tiếp tục tiêm chủng đầy đủ các vắc xin trong tiêm chủng thường xuyên theo khuyến cáo.
Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có thể tiêm bổ sung các mũi nhắc lại tiếp theo (sau tiêm nhắc lần 2, tức là sau mũi 4) cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao. Theo khuyến cáo mới nhất của WHO (cập nhật ngày 30.3.2023), đối tượng tiêm vắc xin Covid-19 được ưu tiên cao là: người cao tuổi; người lớn với bệnh nền nặng như: tiểu đường, tim mạch; người có bệnh lý miễn dịch kể cả trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên; phụ nữ có thai và lực lượng y tế tuyến đầu. Đối tượng ưu tiên trung bình là người dưới 60 tuổi không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền. Đối tượng ưu tiên thấp là trẻ em và trẻ vị thành niên từ 6 tháng tới 17 tuổi.
Mũi nhắc lại cách 6 – 12 tháng
Theo lộ trình của SAGE (Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng của WHO) và WHO khu vực Tây Thái Bình Dương về việc sử dụng vắc xin Covid-19 trong bối cảnh Omicron và khả năng miễn dịch đáng kể trong cộng đồng như sau: Đối với nhóm ưu tiên cao, mũi tiêm nhắc cách mũi tiêm trước từ 6 – 12 tháng (bất kể đã tiêm bao nhiêu mũi trước đó). Đối với phụ nữ có thai, việc tiêm vắc xin giúp bảo vệ thai nhi và trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
Hiện SAGE chưa khuyến cáo tiếp tục tiêm nhắc cho nhóm những người thuộc ưu tiên trung bình về tiêm vắc xin.
Với nhóm ưu tiên thấp, các mũi tiêm cơ bản và mũi tiêm nhắc là an toàn và hiệu quả cho nhóm trẻ từ 6 tháng tới 17 tuổi. Theo SAGE, các quốc gia nên xem xét kỹ các yếu tố về tình hình dịch tễ, chi phí, hiệu quả và các ưu tiên khác trước khi quyết định tiêm vắc xin Covid-19 cho nhóm trẻ trong lứa tuổi này.
Về hình thức tiêm chủng, WHO khuyến cáo các nước xem xét thay đổi từ tiêm chủng chiến dịch sang lồng ghép vào tiêm chủng thường xuyên. Các quốc gia có thể sử dụng vắc xin (mRNA) để tiêm các mũi cơ bản cũng như các mũi tiêm nhắc.
Hiện chưa có khuyến cáo về tiêm nhắc vắc xin Covid-19 hằng năm, kể cả cho nhóm ưu tiên cao.
Vắc xin Covid-19 tiêm miễn phí
Tại VN, ngày 17.4.2023, Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo việc sử dụng vắc xin theo cập nhật của WHO ngày 30.3.2023 là cần thiết. Theo đó, chiến lược sử dụng vắc xin tại VN là: sử dụng tối đa các loại vắc xin hiện có, đặc biệt là vắc xin được WHO khuyến cáo hoặc đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp và vắc xin đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng. Tiêm vắc xin Covid-19 cho các đối tượng theo khuyến cáo của WHO; sử dụng vắc xin theo nhu cầu đề xuất của địa phương, nhu cầu của người dân và lượng vắc xin được cung ứng.
Mục tiêu vắc xin Covid-19 là các đối tượng có nguy cơ cao được tiêm chủng đủ số mũi.
Vắc xin Covid-19 được tiêm miễn phí, theo hướng dẫn của Bộ Y tế và hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.
4 nhóm tuổi tiêm vắc xin Covid-19 trong năm 2023
Người từ 18 tuổi trở lên: các trường hợp chưa tiêm các mũi nhắc lại; người đến lịch tiêm trong năm 2023 (từ 17 lên 18 tuổi)
Người từ 12 – 18 tuổi: người chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản; người đến lịch tiêm trong năm 2023 (từ 11 lên 12 tuổi)
Người từ 5 – dưới 12 tuổi: có nhu cầu tiêm mũi cơ bản
Trẻ dưới 5 tuổi và tiêm các mũi tiếp theo cho các nhóm từ 5 tuổi trở lên: Bộ Y tế sẽ khuyến cáo và hướng dẫn sau, khi có căn cứ, cơ sở khoa học và phù hợp với tình hình dịch bệnh.
(Nguồn: Bộ Y tế)