Cuộc làm việc giữa đoàn công tác của tỉnh với các địa phương, đơn vị liên quan vào ngày 17/5 tại hội trường Huyện ủy Thăng Bình đã bàn bạc, đề ra nhiều giải pháp để tháo gỡ ách tắc mặt bằng dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E.
Nhiều vướng mắc
Đoàn công tác do đồng chí Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 làm trưởng đoàn, đã nghe các huyện Thăng Bình, Hiệp Đức, Phước Sơn, đơn vị hạ tầng kỹ thuật, Ban Quản lý dự án 4 (trực thuộc chủ đầu tư Cục Đường bộ Việt Nam) nêu vướng mắc trong triển khai GPMB phục vụ thi công dự án.
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E (đoạn km15+270 – km89+700) có quy mô bề rộng nền đường 9m. Riêng đoạn tuyến qua nút giao đường sắt Bắc – Nam tại lý trình km15+270-km16+054 (Thăng Bình) có bề rộng nền đường 12m. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư hơn 1.848,2 tỷ đồng; tiến độ thực hiện giai đoạn năm 2021 – 2025.
Ban Quản lý dự án 4 cho biết, vào ngày 7/3/2023, chủ đầu tư đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức lễ khởi công. Nhưng đến nay, ban mới tiếp nhận bàn giao mặt bằng được 4,09/142km (tính theo chiều dài từng bên tuyến). Qua làm việc với các đơn vị thực hiện GPMB thì nhận thấy, công tác thu thập hồ sơ địa chính chậm; khối lượng công việc tiếp theo lớn trong lúc cán bộ địa phương ít, lại kiêm nhiệm nhiều dự án khác.
Việc lên phương án bồi thường, di dời hạ tầng kỹ thuật không kịp thời dẫn tới mặt bằng đã bàn giao song chẳng thể thi công do vướng điện, nước. Cùng với đó, do chưa phê duyệt hết các tờ bản đồ trích đo trên toàn huyện nên chưa xác định kinh phí thuê tư vấn xác định giá đất, phê duyệt giá đất. Vì vậy, kiểm đếm xong nhưng không thể áp giá để xác định chi phí bồi thường cho hộ bị ảnh hưởng.
Nhằm tháo gỡ ách tắc, huyện Hiệp Đức kiến nghị Sở TN-MT quan tâm hỗ trợ nhằm sớm phê duyệt bản trích đo địa chính bản đồ của các xã còn lại để có cơ sở thực hiện những bước tiếp theo.
Liên quan di dời điện, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình – ông Võ Văn Hùng kiến nghị tỉnh cho chủ trương, chỉ đạo cụ thể, bởi việc GPMB trên toàn tuyến là tương đối khó khăn. Chính vì thế, không thể có đủ mặt bằng 100% rồi mới di dời hệ thống điện. Do đó, có mặt bằng đến đâu phải thực hiện di dời lưới điện đến đó, nhưng lại không đơn giản vì ngành điện quy định 1 năm không cúp điện quá 2 lần.
Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn – ông Lê Quang Trung kiến nghị Sở TN-MT hướng dẫn cụ thể về xây dựng phương án tái định cư cho 7 hộ dân tại xã Phước Xuân có nguyện vọng xin bố trí đất ở trong dự án khu giãn dân do huyện đang triển khai thực hiện.
Tháo gỡ vướng mắc
Đại diện Công ty Điện lực Quảng Nam chia sẻ, đơn vị không đủ nhân lực để di dời lưới điện phục vụ GPMB thi công dự án này. Vì vậy, công ty kiến nghị UBND tỉnh ủy quyền để UBND các huyện tiến hành di dời lưới điện, kinh phí di dời từ vốn dự án chi trả cho địa phương thực hiện. Về phương án di dời, huyện thuê đơn vị tư vấn lập hồ sơ phương án thiết kế, gửi cho công ty thỏa thuận trước khi thực hiện. Do tuyến đường dây di dời thuộc trục chính cấp điện cho các huyện nêu trên, đơn vị thi công khảo sát, lập phương án cắt điện phù hợp gửi cho công ty bố trí lịch.
Theo Ban Quản lý dự án 4, để giải ngân hết số vốn 566 tỷ đồng bố trí cho dự án trong năm 2023 (GPMB 152 tỷ đồng), đề nghị các địa phương quan tâm bố trí thêm nhân lực để đẩy nhanh kiểm đếm, áp giá bồi thường, trong đó tập trung các đoạn đất 5%, đất thuộc quyền sở hữu của xã, đất công và những đoạn là đất nông nghiệp, lâm nghiệp. Di dời điện, nước từng đoạn theo các đoạn ưu tiên, có cơ chế linh hoạt để lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công để kịp thời thi công. Cầu vượt đường sắt tại lý trình km15+815 (xã Bình Quý) có thời gian thi công dài, phạm vi chiếm dụng lớn, vì vậy cần ưu tiên GPMB trước.
Tiếp nhận ý kiến đóng góp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang yêu cầu các huyện tập trung tối đa cho nhiệm vụ GPMB của dự án trọng điểm này. Ngoài quản lý tốt hiện trạng, không để phát sinh dẫn tới kéo dài thời gian, các địa phương phải có kế hoạch cụ thể khai thông cho từng đoạn tuyến theo cam kết, phân công nhiệm vụ rõ ràng. Các ngành của tỉnh khi nhận được hồ sơ của địa phương gửi lên phải ưu tiên xem xét làm trước, bởi nếu không có hồ sơ được phê duyệt thì không làm gì được. Về đề xuất của Công ty Điện lực Quảng Nam, ông Quang đồng ý giao cho các địa phương thực hiện di dời lưới điện, nhưng công ty phải hỗ trợ tối đa để đảm bảo hồ sơ, thủ tục.
Chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Dũng một lần nữa khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa rất lớn đối với Quảng Nam, vì vậy các địa phương, ngành, đơn vị liên quan tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, đầu tư đồng bộ về đường, các hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật. Cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Thông qua Văn phòng Tỉnh ủy, các địa phương 2 tuần phải báo cáo một lần cho ban chỉ đạo về kết quả thực hiện kết luận. Địa phương, đơn vị nào chậm trễ sẽ có biện pháp phê bình, kiểm điểm nghiêm túc.