SGGPO
Ngày 19-5, Bảo tàng Đà Nẵng tổ chức tọa đàm “Giáo dục bảo tàng vì sự phát triển bền vững và an sinh” với sự tham dự của các bảo tàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa để chia sẻ kinh nghiệm về thiết kế các chương trình giáo dục trong xu hướng công nghệ số hiện nay.
Ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động bảo tàng mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Triển lãm trực tuyến, tổ chức các chương trình giáo dục trực tuyến là cách nhiều bảo tàng trên cả nước đã thực hiện trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, mọi hoạt động trực tiếp bị hạn chế.
Theo bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, đây là mô hình cần tiếp tục phát triển bởi các chương trình trực tuyến là công cụ đắc lực góp phần vào công tác quảng bá của mọi bảo tàng. Mặc dù bảo tàng nằm cố định ở một vị trí nhưng với các phương thức trực tuyến thì mọi người trên thế giới có thể tìm hiểu về bảo tàng dù không ở gần.
Điển hình, một chương trình tổ chức ở Bảo tàng Hải Dương Học, Bảo tàng điêu khắc Chăm đăng trên trang thông tin của Bảo tàng lịch sử Quốc gia được tất cả các em học sinh đều đăng ký tham gia. Đó là cách quảng bá tốt nhất mà lại hoàn toàn miễn phí, độ bao phủ rộng rãi.
Tọa đàm có sự tham gia của các bảo tàng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Đồng ý kiến với bà Bích Vân, ông Trương Sĩ Hải Trình, đại diện Bảo tàng Hải dương học (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho rằng, ưu điểm giáo dục online là tiết kiệm chi phí, thời gian. Lấy ví dụ như ở Bảo tàng Hải dương học mỗi đợt đón học sinh tham quan là 200 đến 250 học sinh.
Ông Trương Sĩ Hải Trình, đại diện Bảo tàng Hải dương học phát biểu |
Việc thông tin giáo dục với số lượng đông như vậy thì không hiệu quả. Trong khi đó, các chương trình online lại hợp lý hơn khi có thể đưa về từng lớp học, từng trường với thời gian linh hoạt và không bị phụ thuộc vào điều kiện thời tiết mà giá trị thông tin lại hiệu quả.
Bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng và ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng nghiệp vụ, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Mặt khác, theo ông Trương Nguyễn Nguyên Kha, Trưởng phòng nghiệp vụ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, trưng bày được xem như là ngôn ngữ hay hình thức thông tin cơ bản của bảo tàng, là kênh kết nối chính giữa bảo tàng và công chúng. Các bảo tàng luôn chú trọng nội dung, chất lượng trưng bày, đặc biệt những chuyên đề trưng bày thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Để thu hút sự quan tâm của các em, làm phong phú nội dung các chuyên đề giáo dục, các bảo tàng cần không ngừng nghiên cứu đổi mới nội dung và hình thức trưng bày như đưa vào trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, trưng bày đa phương tiện ứng dụng công nghệ số, video art…
Ông Lê Ngọc Nhất, đại diện Ban quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: XUÂN QUỲNH |
Còn ông Lê Ngọc Nhất, đại diện Ban quản lý di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn nhấn mạnh, việc trải nghiệm thực tế giúp học sinh, du khách được tận mắt nhìn thấy giúp mang lại hiệu quả hơn. Do có không gian sinh hoạt chung trên ngọn Thủy Sơn (thuộc Danh thắng Ngũ Hành Sơn) nên đơn vị chủ yếu tổ chức chương trình giáo dục trải nghiệm thực tế bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh.
Các trường học, đơn vị du lịch thường xuyên liên kết với Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn hoặc tổ quản lý K20 để đưa học sinh đến đây trải nghiệm thực tế, trao đổi trực tiếp với khách nước ngoài nhằm nâng cao kỹ năng cho các em. Tuy vậy, để nâng tầm chương trình thực tế, công nghệ là công cụ hỗ trợ đắc lực. Qua các hình ảnh, tư liệu, thước phim, các đoàn du khách, học sinh có thể tham khảo, chọn tuyến, ngọn núi nào trước khi tham quan.