Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước – đã khẳng định: Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước; Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27, qua đánh giá của các bộ, ngành, địa phương, đội ngũ trí thức Việt Nam đã phát triển cả về số lượng, chất lượng.
Tuy nhiên, việc xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn còn những hạn chế, trong đó bao gồm cả ngành văn hóa.
Trao đổi với Báo Giao thông, TS Trần Hữu Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng, đã đến lúc cần có những chính sách đột phá nhằm trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức trong ngành văn hóa.
TS. Trần Hữu Sơn.
Trí thức trong ngành văn hóa vừa thiếu, vừa yếu
Ông đánh giá như thế nào về thực trạng, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành văn hóa hiện nay?
Nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa bao gồm: Nguồn nhân lực quản lý, nguồn nhân lực sản xuất kinh doanh và nguồn nhân lực sáng tạo.
Theo thống kê của ngành văn hóa, nhân lực trực tiếp làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nói chung là hơn 72.000 người; nguồn nhân lực gián tiếp, có hoạt động trong các ngành có liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao là khoảng 150.000 người.
Thực tế cho thấy, cả ở nhiều cơ quan Trung ương và địa phương đều thiếu cán bộ giỏi, đủ đảm đương công việc cho lĩnh vực quản lý văn hóa. Trong khi đó, đội ngũ sáng tạo, chuyên gia vẫn còn thiếu và yếu.
Chúng ta vẫn thiếu các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực điện ảnh, quản lý sân khấu, lý luận phê bình, thiếu các tài năng xuất chúng, tài năng trẻ tầm cỡ thế giới trong tất cả các lĩnh vực của văn hóa, nghệ thuật. Mặc dù, hiện nay kinh tế của chúng ta đã phát triển hơn rất nhiều.
Về tổng thể, nguồn nhân lực văn hóa vẫn còn tồn tại những điểm yếu, chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng về chuyên môn; năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; năng lực sáng tạo chưa theo kịp sự đổi mới sáng tạo của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt cả về lượng và chất trong đội ngũ trí thức của ngành văn hóa là gì?
Theo tôi, có 3 lý do chính. Thứ nhất là nhận thức của xã hội đối với ngành văn hóa. Văn hóa vẫn chưa được nhìn nhận một cánh đúng mực khi bị coi là một ngành giải trí, “cờ đèn kèn trống”, “ai cũng có thể làm được”…
Tư duy này dẫn đến việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nhiều lúc, nhiều nơi tùy hứng, thậm chí cử những cán bộ không làm được việc, năng lực và uy tín thấp, không có chuyên môn sâu làm việc trong lĩnh vực văn hóa. Nhiều cán bộ tại các Sở, Phòng văn hóa không được đào tạo chuyên ngành văn hóa, quản lý văn hóa mà chuyển từ ngành khác sang.
Văn hóa là một ngành nghề đặc thù, đội ngũ quản lý trong lĩnh vực này cũng đòi hỏi đặc biệt về chuyên môn. Nếu cán bộ lãnh đạo quản lý văn hóa chỉ giỏi chuyên môn nghệ thuật, không biết làm quản lý thì không chèo lái được. Ngược lại người biết quản lý mà không hiểu về văn hóa thì lại càng nguy, không biết tìm ra nhân tài, trọng dụng nhân tài và đề ra các chính sách phát triển bền vững với toàn ngành.
Tức là, cán bộ văn hóa vừa đòi hỏi sự tâm huyết, nhưng cũng cần am hiểu sâu về văn hóa để có thể đồng cảm, lý giải, phân tích rõ ràng những vấn đề, giá trị của văn hóa, từ đó có những quan điểm, định hướng, giải pháp rõ ràng cho sự phát triển văn hóa.
Thứ 2 là lỗ hổng đào tạo. Những năm gần đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có các đề án đào tạo, cùng với đó là những đề án liên kết cùng nước ngoài trong các chương trình đào tạo. Nhưng, năm nào cũng “than” thiếu chỉ tiêu. Sự thiếu hụt này bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có chính sách đào tạo dài hơi từ trước đó. Bây giờ mới đào tạo thì muộn rồi, phải hơn 20 năm nữa chúng ta mới có thành quả.
Thứ 3 là bất cập trong chính sách trong việc phát triển và trọng dụng nhân tài. Khi tài năng chưa được quan tâm đặc biệt và có chính sách thích hợp thì rất khó.
Các bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống đang thiếu nguồn tài năng kế cận. (Ảnh: Tổ quốc)
Tài năng phải được mạnh dạn đầu tư
Từ nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đến thực tế hiện nay, theo ông, làm thế nào để có thể thay đổi thực trạng như ông vừa đề cập?
Trong bối cảnh hiện tại và trong nhiều năm tới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thư tư vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia.
Phải xác định ngay từ đầu rằng, đầu tư cho tài năng văn hóa, nghệ thuật chưa bao giờ là rẻ! Tài năng phải được mạnh dạn đầu tư. Nhưng, chiến lược đầu tư đối với đội ngũ nhân lực này cần có mục tiêu, cơ chế rõ ràng trong chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng người có tài năng.
Trước hết, ở khâu tuyển chọn nhân tài, phải được bắt đầu từ các trường cấp cơ sở, các nhà văn hóa cấp cơ sở. Khi lựa chọn đào tạo, phải có cơ chế chính sách đặc thù với những tài năng này. Chẳng hạn như cấp học bổng; tăng chất lượng, chế độ sinh hoạt phí; ngoài năng khiếu, cần phải đào tạo văn hóa, đặc biệt là ngoại ngữ.
Đến khi trưởng thành phải chọn cho người ta cơ sở làm nghề đủ tốt để họ vừa cống hiến vừa đủ sống được với nghề. Trong số tài năng đó, có thể chọn một vài tài năng đặc biệt nổi bật, gửi đi nước ngoài đào tạo tại các trung tâm đào tạo hàng đầu thế giới.
Sau đó, cần xây dựng chính sách sử dụng cán bộ văn hóa hợp lý, phù hợp với chuyên môn, trình độ ở tất cả các cấp quản lý. Đồng thời, hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đặc thù đối với trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân như chế độ đào tạo, lương thưởng, hỗ trợ đào tạo nghệ thuật khó, hiếm, đỉnh cao, nghệ thuật truyền thống.
Tôi thấy, kinh nghiệm của Nhật Bản rất hay, nhà nước bỏ toàn bộ để nuôi nghệ sĩ kịch Noh, nghệ sĩ chuyên tâm sáng tạo và cống hiến cho nghệ thuật. Các show diễn của họ bán vé rất đắt, đắt hơn các loại hình khác. Tức là, họ gắn văn hóa truyền thống với du lịch và nâng tầm lên “đặc sản”.
Rõ ràng, để nghệ sĩ sống được với nghề, nhà nước vẫn phải bao cấp và gắn sản phẩm với thị trường, cụ thể là du lịch. Lúc này, đầu tư cho văn hóa không chỉ là “tiêu tiền” mà còn “làm ra tiền”.
Cùng với đó, nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi (về thuế, phí, tín dụng, quyền sử dụng đất…) nhằm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, huy động các nguồn đầu tư, tài trợ, hiến tặng cho phát triển văn hóa. Nhà nước cũng khuyến khích hình thành các quỹ đào tạo, khuyến học, phát triển nhân tài, quảng bá văn học nghệ thuật, phát triển điện ảnh, hỗ trợ xuất bản… Xây dựng cơ chế ưu đãi (như miễn/giảm thuế…) nhằm khuyến khích thành lập doanh nghiệp xã hội cung cấp các dịch vụ phi lợi nhuận và tạo tác động xã hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, nhà nước bao cấp thôi chưa đủ. Đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn là động lực thu hút thêm các nguồn đầu tư từ doanh nghiệp và xã hội.
Ngược lại, bản thân đội ngũ quản lý, sáng tạo văn hóa cũng cần chủ động nâng cao trình độ, cập nhật cái mới, bắt kịp xu hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cảm ơn ông!
“Khảo sát và dựa vào niên giám thống kê ở một số tỉnh từ năm 2015 đến nay cho thấy, tình trạng chung là đầu tư cho lĩnh vực văn hóa còn thấp. Chưa một tỉnh nào đạt mức đầu tư 1,8% tổng chi ngân sách địa phương cho văn hóa.
Chính mức chi cho ngành văn hóa thấp, khiến cho hoạt động của lĩnh vực này chậm phát triển, nhiều địa phương không phát huy được lợi thế xây dựng công nghiệp văn hóa…
Trong khi các tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đầu tư chủ yếu vẫn gắn với việc phục vụ những ngày lễ lớn hoặc sự kiện chính trị quan trọng, các chương trình đầu tư dài hạn chưa được triển khai đồng bộ”
TS Trần Hữu Sơn