Cái duyên cùng võ học
Trong lần gặp gỡ võ sư Lý Ngọc Phước (ngụ TP. Châu Đốc), tôi khá bất ngờ khi biết được tuổi thật của ông. Dù đã ở hàng “thất thập cổ lai hy”, nhưng ông vẫn sở hữu vẻ ngoài trẻ trung, cùng điệu bộ nhanh nhẹn hiếm thấy. Ông cho biết, thể trạng ấy là kết quả của việc luyện tập Vovinam thường xuyên, từ khi còn là cậu nhóc lên mười.
“Tôi đến với Vovinam như cái duyên. Hồi còn đi học, tôi mang danh xưng “công tử bột”, hay bị bạn bè bắt nạt. Sau một lần xem biểu diễn võ Vovinam, tôi xin gia đình theo học, gắn bó đến giờ. Lúc đầu, tôi chỉ học để tự vệ. Nhưng càng tập luyện, càng nghiên cứu, tôi lại càng yêu quý, gắn bó môn phái sâu sắc. Thực chất, người học võ Vovinam không chỉ chú ý đến đòn thế, mà còn là “võ đạo”. “Võ đạo” ở Vovinam là hệ thống tư tưởng cùng kỹ năng làm người, thay vì bài học đạo đức đơn thuần” – võ sư Lý Ngọc Phước chia sẻ.
Võ sư Lý Ngọc Phước và các võ sinh Vovinam
Ở thế hệ của ông, việc lên đai võ sư rất gian nan. Đó là những trận thực chiến, không có giáp bảo vệ, không có thảm thi đấu. Người chiến thắng sẽ được nâng đai, người thua buộc phải tiếp tục tập luyện. Do được giáo dục “võ đạo” một cách nghiêm khắc, nên huynh đệ đồng môn ngày đó rất đề cao tinh thần đoàn kết, thượng võ; hầu hết đều có kỹ năng thượng thừa. Một khi đã đến hàng võ sư, phải là “gạo cội” của môn phái. Sở hữu chiếc đai võ sư, đòi hỏi bản thân phải rèn tính khiêm tốn, tôn trọng mọi người.
“Tôi tiếp cận với võ học từ năm 1970, nên không có điều kiện tham gia giải đấu mọi cấp độ như em cháu hiện nay. Tuy nhiên, danh hiệu không quá quan trọng, mà người theo học Vovinam chân chính luôn đề cao trách nhiệm của bản thân đối với môn phái và cộng đồng. Ngày nay, Vovinam phát triển tại 70 quốc gia trên thế giới; thành lập Liên đoàn Vovinam thế giới và tại các châu lục. Tôi cảm thấy rất tự hào, vì mình đóng góp ít nhiều cho môn phái, góp phần phát triển tinh thần “Việt võ đạo” đến thế hệ trẻ hôm nay”.
Sau hơn 50 năm giảng dạy Vovinam, võ sư Lý Ngọc Phước nhẩm tính, đã có hơn 11.000 võ sinh thọ giáo mình. Có người học võ để phòng thân, có người trở thành vận động viên chuyên nghiệp. Nhưng ông vẫn hướng học trò của mình phải tiếp nối tinh thần của tổ sư môn phái: Đề cao tinh thần rèn giũa tâm thân, luyện võ cũng là rèn luyện tính cách và nâng cao tinh thần dân tộc.
Truyền lửa đam mê
Bất kể nắng hay mưa, võ sư Lý Ngọc Phước vẫn đều đặn đến lớp, tiếp tục truyền lửa đam mê đến các thế hệ võ sinh. Đa phần, theo học lớp Vovinam là học sinh, số lượng 200 – 300 em/lớp. Người võ sư tóc bạc kiên trì hướng dẫn từng đòn thế, từ vỡ lòng đến nâng cao, để các em lĩnh hội, thấm nhuần tinh hoa võ thuật dân tộc.
“Tôi tham gia giảng dạy nhiều điểm trường tại TP. Châu Đốc và TX. Tịnh Biên. Ở bất cứ đâu, yếu tố đầu tiên tôi hướng dẫn võ sinh là tinh thần “võ đạo”. Khi lĩnh hội được “võ đạo”, võ sinh mới có thể tiếp cận đòn thế, phát triển kỹ năng trong tập luyện và thi đấu. Về lâu dài, tôi sẽ phát triển thêm lực lượng huấn luyện viên phụ trách các lớp võ. Cá nhân tôi tiếp tục xây dựng phong trào Vovinam ở nơi khác” – võ sư Lý Ngọc Phước cho hay.
Ngoài ra, ông Lý Ngọc Phước luôn theo sát, tìm hiểu võ sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều trường hợp đam mê Vovinam nhưng gia đình không đủ điều kiện, ông sẵn sàng miễn học phí, thậm chí hỗ trợ thêm 15kg gạo/tháng. Ông tâm niệm, nếu em cháu có niềm đam mê thì ông góp thêm lòng nhiệt tâm, hun đúc tinh thần tiến lên của họ. Mỗi võ sinh thành công trên con đường võ thuật là một món quà vô giá cho ông.
“Trước tiên, tôi dạy võ là để có thể sống với niềm đam mê của mình. Thứ hai, là để đền ơn môn phái. Hạt lúa thọ ơn người nông dân đã gieo trồng, vun xới và trả ơn bằng cả cây lúa oằn bông. Tôi thọ ơn môn phái thì phải cố gắng đào tạo ra nhiều thế hệ võ sinh chất lượng, phát huy tinh thần của Vovinam – Việt võ đạo. Dạy võ Vovinam chính là dạy tinh thần dân tộc, để thế hệ tương lai thấm nhuần lòng yêu nước, phát triển môn võ Việt Nam ngày càng rực rỡ” – võ sư Lý Ngọc Phước kỳ vọng.
Thời gian tới, võ sư Lý Ngọc Phước sẽ tiếp tục gắn bó với các lớp võ hiện tại, cũng như phát triển môn võ rộng khắp hơn nữa. “Tôi đã cao tuổi, nhưng lòng nhiệt huyết vẫn còn như thời trẻ. Do đó, bản thân sẽ tiếp tục nhiệm vụ truyền lửa đam mê cho thế hệ tiếp theo tại địa phương. Tôi chỉ dừng lại khi không thể đứng lớp nữa!” – võ sư Lý Ngọc Phước khẳng định.