Đó là một trong những vấn đề được đưa ra tại buổi gặp gỡ, kết nối, thúc đẩy du lịch giữa miền Trung và miền Tây diễn ra ngày 24.3 tại TP.Cần Thơ. Đại diện hàng chục doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways đã cùng thảo luận về các giải pháp nhằm kết nối, thúc đẩy du lịch giữa hai miền, đặc biệt trong bối cảnh du lịch nội địa đang được xem là bệ đỡ cho ngành du lịch.
Miền Tây ”lép vế” vì sản phẩm trùng lặp
Bà Võ Xuân Thư, Tổng giám đốc Victoria Cần Thơ Resort (TP.Cần Thơ), cho biết tuy chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng ghi nhận từ các điểm đến có thể thấy lượng khách từ miền Trung vào miền Tây ít hơn rất nhiều so với khách miền Tây đến miền Trung. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng dễ thấy nhất là việc quảng bá sản phẩm du lịch của miền Tây chưa hấp dẫn được du khách miền Trung. Chưa kể, ngoại trừ Phú Quốc, miền Tây có phần lép vế về biển.
“Bù lại, điểm mạnh của du lịch miền Tây là miệt vườn sông nước, du lịch nông nghiệp gần gũi thiên nhiên. Đó cũng là điều mà du lịch miền Tây cần tận dụng và quảng bá, giới thiệu đến du khách nhiều hơn”, bà Thư nói thêm.
Đồng tình với nhận định này, ông Nguyễn Phú Yên, Giám đốc Yên Travel dẫn chứng, nếu như khách miền Tây ra miền Trung hào hứng với những khu vui chơi lớn ở Đà Nẵng, phố cổ Hội An… thì khách miền Trung vào miền Tây lại ít có sản phẩm tương tự.
“Thú thật, các sản phẩm du lịch của miền Tây bị trùng rất nhiều, những điểm vui chơi giải trí lớn chưa có. Chẳng hạn, về Cần Thơ chỉ có chợ nổi mà chợ nổi bao năm nay vẫn chỉ mua vé rồi xuống ngồi xuồng đi một vòng là hết, không có gì thay đổi. Đi một lần rồi không muốn đi nữa. Trước đây có đường bay Cần Thơ đi Thái Lan, ở chiều đi, khách miền Tây rất thích đi Thái Lan nhưng ngược lại khách Thái Lan lại không thích đi miền Tây bởi vì miền Tây có nhiều điểm du lịch trùng với họ như chợ nổi, vườn trái cây… Nói vậy để thấy để thu hút được khách, miền Tây cần phải có nhiều sản phẩm hấp dẫn hơn”, ông Yên nói thẳng.
Cùng quảng bá điểm đến nội địa
Ông Anton Bespalov, Tổng giám đốc TUI Blue Nam Hội An (Quảng Nam), đánh giá, tiềm năng du lịch nội địa giữa miền Trung và miền Tây là rất lớn nếu có sự chung tay liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai miền để quảng bá về những điểm đến nhiều hơn.
“Theo quan sát của tôi, hiện tại các tour đi nước ngoài được quảng bá rất nhiều nhưng các tour du lịch trong nước lại ít được biết đến hơn. Vì vậy, chúng ta cần chung tay lại và khi các điểm đến trong nước được biết đến nhiều hơn thì tất cả đều hưởng lợi”, ông Anton Bespalov đề xuất.
Cũng theo đại diện TUI Blue Nam Hội An, ngoài dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, doanh nghiệp này đặc biệt quan tâm đến giới thiệu với du khách các điểm đến đặc trưng của địa phương như chợ cá Tam Tiến, làng bích họa Tam Thanh, phố cổ Hội An, cù lao Chàm… Đây cũng là cách Victoria Cần Thơ Resort đang thực hiện ở miền Tây. Chẳng hạn, tuyến ngược dòng Mê Kông của du thuyền Victoria Mekong. Dù là nội địa đi Châu Đốc, An Giang hay xuyên biên giới sang Phnom Penh, Campuchia, hành trình cũng luôn gắn với các điểm đến ở những địa phương để du khách vừa tận hưởng không khí sông nước, vừa trải nghiệm văn hóa, cuộc sống của người dân bản địa.
Đánh giá cao tiềm năng của việc kết nối khách nội địa miền Trung – miền Tây, ông Benoit Perdu, Công ty Transmekong (Cần Thơ), nhận xét: Khách quốc tế đến Việt Nam rất thích thú với những tour xuyên Việt, và ĐBSCL là điểm đến rất quan trọng trong hành trình đó. “Để kết nối hai miền, ngoài việc quảng bá sản phẩm du lịch, hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều chuyến bay hơn và giờ bay cũng sẽ sắp xếp sao có tiện lợi nhất cho du khách”, ông Benoit Perdu nói.
Hiện tại, tuyến bay kết nối miền Tây và miền Trung chỉ có đường bay Cần Thơ – Đà Nẵng với tần suất 2 chuyến/ngày; trong đó 1 chuyến của Vietnam Airlines và 1 chuyến của VietJet Air.
Tại buổi gặp gỡ, kết nối nêu trên, ông Nguyễn Minh Đức Uy, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways, thông tin theo kế hoạch, trong 29.4, Bamboo Airways sẽ kết nối miền Tây với Hà Nội bằng đường bay Cà Mau – Hà Nội và ngược lại. Đơn vị phục vụ chuyến bay vào các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần trước khi thực hiện việc kết nối đường bay giữa Đà Nẵng và miền Tây.