Đến với Bảo tàng Quảng Ninh, du khách sẽ có cơ hội khám phá về nghề than vùng mỏ, về những người thợ mỏ cũng như tìm hiểu về dân tộc Dao, nghề gốm Đông Triều, nông nghiệp, ngư nghiệp và nhiều điều thú vị khác về đất và người nơi đây.
Nghề gốm Đông Triều, Quảng Ninh ra đời và phát triển khá muộn. Thời kỳ trước năm 1955, ông Hoàng Bá Huy, tức Voòng Nhi là người có công xây dựng nên dòng gốm sứ ở Đông Triều. Nguyên liệu gốm Đông Triều gồm đất sét trắng khai thác ở Trúc Thôn, cao lanh chịu lửa khai thác trên địa bàn xã Tử Lạng, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Gốm sứ Đông Triều là dòng sứ nặng lửa, những người thợ gốm ở đây dùng hệ thống lò rồng có 5 đến 7 bầu và nhiệt độ nung đạt tới 1.3000C. Nhờ nhiệt độ lò cao như vậy, các sản phẩm làm ra có màu men và độ bền với thời gian.
Bên cạnh đó, thợ gốm Đông Triều rất chú trọng xử lý, loại bỏ tạp chất, làm cho sản phẩm có độ trắng đều. Sau khi nung nóng ở nhiệt độ cao, sản phẩm bóng, nhẵn, tăng độ bền và độ cứng. Việc tạo dáng sản phẩm trước kia chủ yếu bằng bàn xoay tay, năng suất thấp. Hiện nay làm trên bàn xoay điện cho năng suất cao hơn. Sản phẩm gốm phong phú về chủng loại. Họa tiết thể hiện cuộc sống, con người và thiên nhiên như tứ quý, tứ linh và sông nước hữu tình của vùng đất Quảng Ninh. Ngày nay, gốm Đông Triều đã trở thành thương hiệu của Quảng Ninh, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế địa phương.
Bảo tàng Quảng Ninh còn là nơi để tìm hiểu về phong tục, tập quán của người Dao. Trong mỗi gia đình người Dao ở tỉnh Quảng Ninh, cấp sắc là nghi lễ quan trọng nhất. Cấp sắc là tập tục trong chu kỳ đời người, đánh dấu sự trưởng thành của nam giới dân tộc Dao, khẳng định sự công nhận của cộng đồng và thần linh đối với người được cấp sắc. Người chủ trì lễ cấp sắc phải am hiểu nghi lễ truyền thống. Một lễ cúng có thể cấp sắc cho một người hoặc vài người, nhưng nhất thiết phải là số lẻ.
Trong mỗi gia đình người Dao, bếp lửa được sử dụng để đun nấu hằng ngày. Trên bếp có sàn gác để hong khô, bảo quản nông sản, hạt giống và để đồ dùng trong gia đình. Cạnh bếp có các công cụ như cối xay, chảo to, chõ đồ… để phục vụ quy trình chế biến thức ăn của đồng bào. Đối với dân tộc Dao, nhóm Thanh Y ở xã Bằng Cả, việc cấy lúa được thực hiện hai vụ mỗi năm, thu hoạch vào tháng 5 và tháng 10. Cho đến nay mọi khâu canh tác đều đã vận hành bằng máy móc, riêng khâu thu hoạch vẫn duy trì hình thức cắt lúa bằng hái.
Ngoài tìm hiểu về ngành nghề truyền thống cũng như phong tục tập quán của dân tộc Dao ở Quảng Ninh, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về nghề than vùng đất mỏ và đánh bắt hải sản ở nơi đây.
Quảng Ninh là vùng đất có trữ lượng than lớn và là nơi tập trung chủ yếu của loại than anthracite. Than ở Quảng Ninh chất lượng tốt, nhiệt lượng của 1kg từ 7.850 đến 8.200 calo. Do vậy, từ đầu thế kỷ 19, người ta đã bắt đầu khai thác than đá ở khu vực Đông Triều.
Từ những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các công ty than lần lượt ra đời, trong đó lớn mạnh nhất là Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ (viết tắt là SFCT). Ngày 12-11-1936, giai cấp công nhân khu mỏ đã nhất tề quật khởi, anh dũng đấu tranh chống chế độ bóc lột hà khắc của chủ mỏ. Đây là cuộc đấu tranh vĩ đại nhất của giai cấp công nhân khu mỏ dưới sự lãnh đạo của Đảng và trở thành ngày truyền thống của thợ mỏ vùng than. Với sự thành lập của Tổng công ty Than Việt Nam, nay là Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, trải qua quá trình đấu tranh, xây dựng và phát triển, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khó của ngành than, tập đoàn đã lớn mạnh về mọi mặt, là nguồn sức mạnh của nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tỉnh Quảng Ninh thành một tỉnh giàu đẹp và văn minh.
Quảng Ninh là tỉnh có 250km bờ biển, hơn 2.000 đảo nằm trong vịnh Bắc Bộ, với hệ động thực vật phong phú, vì thế ngư nghiệp nơi đây rất phát triển. Ngư dân có truyền thống khai thác hải sản đa dạng ở các bãi triều và đánh bắt gần bờ. Ngư trường Quảng Ninh có 4 trong số 8 bãi tôm lớn của vịnh Bắc Bộ. Đánh bắt xa bờ ngày càng phát triển và chiếm sản lượng lớn trong tổng sản lượng đánh bắt hằng năm. Việc nuôi trồng thủy sản cũng ngày càng được coi trọng. Quảng Ninh nổi tiếng với đặc sản Sá Sùng. Sá Sùng là một loại giun đất nước mặn có giá trị dinh dưỡng cao. Ở Việt Nam, Sá Sùng chỉ có ở vài vùng. Sá Sùng đảo Quan Lạn nổi tiếng nhất và có nhiều vào mùa hè, thu.
Đối với các hình thức đánh bắt ở đây, ngư dân sử dụng nhiều ngư cụ đan bằng tre. Một số là ngư cụ đánh bắt chủ động, số khác thuộc loại thụ động, tức là đặt cố định. Đăng là loại ngư cụ cố định, chặn bắt cá ở những nơi nước không quá sâu. Loại đăng ken bằng tre thường dùng khai thác ở đầm, cửa sông, các bãi sú vẹt, theo thủy triều. Có loại đăng lưới có thể dài tới vài nghìn mét, thường sử dụng ở nơi nước sâu hơn. Nhiều loại lờ, dùng mồi hoặc không mồi, dùng đặt trong các hốc núi, ở bãi bùn sú vẹt. Ngoài ra còn có nhiều loại giỏ đan dùng để đựng hải sản khi đánh bắt, đặc biệt là chiếc vịt tre thả nổi trong nước để giữ cho cá sống. Đối với đánh bắt mực, vào mùa mực sinh sản, người ta thả xuống biển những chiếc lồng có hom, gọi là bóng mực. Mùa câu mực chính từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, khi trời mưa mù thì mực càng nhiều.
Ngoài tham quan phong cảnh tuyệt đẹp của Di sản thiên nhiên thế giới là vịnh Hạ Long, du khách đừng quên dừng chân ghé thăm Bảo tàng Quảng Ninh – điểm đến lý tưởng mang đến cho người dân và du khách góc nhìn đầy đủ nhất về vùng đất và con người Quảng Ninh, để thêm hiểu hơn về đất mỏ tươi đẹp, mến khách.
TƯỜNG VY