Nghỉ hè là thời điểm gia tăng số ca tai nạn thương tích (TNTT) ở trẻ em. Những tai nạn này không chỉ gây nguy cơ tử vong mà còn để lại những hậu quả, di chứng nặng nề. Để phòng ngừa TNTT và đuối nước cho trẻ em, các trường học trên địa bàn huyện Hưng Hà đang triển khai nhiều giải pháp giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tại trường học và trong sinh hoạt hàng ngày.
Hưng Hà phát triển phong trào dạy và học bơi góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Hàng năm, trên địa bàn huyện Hưng Hà xảy ra từ 6 – 8 vụ đuối nước mà nạn nhân là các em học sinh. Những vụ việc trên cho thấy công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh ở một số cơ sở giáo dục còn hạn chế. Việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức và các kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh chưa được triển khai một cách quy mô, bài bản.
Nhằm hạn chế tình trạng trẻ em bị đuối nước, Trường Tiểu học và THCS Minh Tân đã lựa chọn chuyên đề về phòng, chống đuối nước để tập huấn cho 730 học sinh. Tại buổi tập huấn, các em hào hứng tham gia trả lời các câu hỏi trắc nghiệm và thực hành những kỹ năng cơ bản về phòng, chống tai nạn đuối nước.
Em Nguyễn Thị Yến Phương, lớp 9C cho biết: Được trang bị kỹ năng xử lý tình huống khi bản thân hoặc người khác không may bị đuối nước; cách sơ cứu kịp thời nạn nhân đuối nước… giúp chúng em hiểu kỹ, nhớ lâu để áp dụng cho bản thân mình.
Cô giáo Bùi Thị Xiêm, Tổng phụ trách Trường Tiểu học và THCS Minh Tân chia sẻ: Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã coi việc phòng, chống đuối nước và TNTT trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nên thường xuyên lồng ghép vào những buổi ngoại khóa, hướng dẫn các em biết cách tự bảo vệ bản thân để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, chúng tôi phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các hoạt động giáo dục giới tính, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm an toàn giao thông và xây dựng kế hoạch phối hợp tổ chức dạy bơi cho học sinh ngay sau khi các em được nghỉ hè.
Học sinh thực hành các hoạt động về bảo đảm an toàn giao thông.
Tại Trường Mầm non Chi Lăng, trong buổi ngoại khóa, các cô giáo luôn tỉ mỉ hướng dẫn trẻ chơi đồ chơi an toàn.
Cô giáo Đinh Thị Oanh, phụ trách lớp 5 tuổi cho biết: Chúng tôi lựa chọn giáo dục kỹ năng an toàn cho các con theo từng chủ đề, tích hợp giáo dục vào các thời điểm trong ngày; tổ chức các hoạt động chuyên biệt như: với chủ đề an toàn giao thông chúng tôi hướng dẫn học sinh kỹ năng tham gia giao thông an toàn; với chủ đề gia đình, các em được thực hành các kỹ năng không đi theo người lạ, sử dụng đồ dùng an toàn trong trường và tại gia đình, từ đó giúp trẻ có kỹ năng bảo vệ bản thân. Ngoài ra, với đặc thù ở vùng nông thôn nhiều sông, ao, hồ, mương máng, trẻ nhỏ lại hay thích chơi ở những khu vực này nên trong các giờ học kỹ năng sống chúng tôi lồng ghép thêm kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ như: không lại gần những khu vực có biển báo nguy hiểm như bờ sông, ao, hồ; không chơi xung quanh giếng nước hoặc mương máng khi không có người lớn đi cùng; kết hợp tuyên truyền tới phụ huynh chú trọng xây dựng bờ rào, ngăn không cho trẻ tự ý ra ao nghịch nước đề phòng trường hợp khi trẻ bị trượt chân ngã xuống nước không có người cứu hộ kịp thời.
Với hình thức xây dựng góc tuyên truyền như treo khẩu hiệu, tranh, tài liệu về phòng, chống TNTT tại các lớp; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên về nội dung phòng, chống TNTT và đuối nước trong nhà trường…, Trường Mầm non Chi Lăng còn xây dựng tủ thuốc nhà trường và một số thiết bị, dụng cụ cấp cứu theo quy định để xử lý các tai nạn khi cần thiết; thường xuyên kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, kiên quyết loại bỏ những đồ dùng, đồ chơi không bảo đảm chất lượng, không an toàn với trẻ và giáo viên…
Cô giáo Nguyễn Thị Oanh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chi Lăng chia sẻ: Năm học 2022 – 2023, nhà trường có 400 trẻ/12 nhóm lớp. Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức mua sắm bổ sung các thiết bị đồ dùng, đồ chơi bảo đảm an toàn; cải tạo, tu sửa cơ sở vật chất, trang trí môi trường trong và ngoài lớp, đặc biệt là các đồ dùng, đồ chơi ngoài trời bảo đảm cho trẻ các hoạt động vui chơi; đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền về phòng tránh đuối nước cho trẻ.
Ông Nguyễn Tiến Hoạt, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hưng Hà cho biết: Hàng năm, chúng tôi chỉ đạo các trường thường xuyên kiểm tra, rà soát toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị phục vụ việc dạy và học, thiết bị phục vụ các hoạt động vui chơi, giải trí, đồ dùng thí nghiệm, tường, rào, lan can, khu vui chơi, hệ thống điện…, từ đó kịp thời sửa chữa, thay thế, khắc phục, bảo đảm tiêu chí trường học an toàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống đuối nước và TNTT trong các giờ sinh hoạt lớp, buổi ngoại khóa; tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh sau giờ học ở trường, trong thời gian nghỉ hè; rà soát, phát hiện các điểm có nguy cơ cao xảy ra đuối nước như hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước… để cảnh báo kịp thời; tổ chức chương trình dạy bơi trong trường học.
Ngoài ra, chúng tôi chỉ đạo các trường thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm; quan tâm đầu tư thiết bị các bếp ăn, các trang thiết bị hiện đại như: tủ cơm ga, máy sấy bát, các hệ thống nước lọc… bảo đảm vệ sinh, an toàn cho trẻ khi đến trường, qua đó góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh để các em được phát triển toàn diện.
Các cô giáo Trường Mầm non Chi Lăng hướng dẫn các em tham gia trò chơi ngoài trời an toàn.
Thanh Thủy