Tại hội thảo, Tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam chia sẻ: “Là một xu thế được ghi nhận trên toàn thế giới, nhưng tại Việt Nam, màu sắc Trường học hạnh phúc còn chưa rõ nét. Chính vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực để đưa trường học hạnh phúc vào chiến lược giáo dục Việt Nam tới năm 2035″.
“Đây chính là nỗ lực theo xu hướng để thúc đẩy đổi mới phương pháp quản lý giáo dục học sinh, giảng dạy, v.v. đảm bảo để người học cảm nhận được hạnh phúc”, ông Ân nói.
Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Ngọc Ân: “THHP không chỉ là dành cho học sinh, mà còn dành cho giáo viên, thầy cô có vui vẻ, hạnh phúc thì mới có thể làm cho học trò của mình hạnh phúc được. Để có trường học hạnh phúc, từ khoá là “thay đổi” – từ khoá quan trọng để có thể chuyển hoá đổi mới giáo dục, và nỗ lực này phụ thuộc vào hiệu trưởng rất nhiều, không chỉ tập trung vào quản lý giáo dục mà còn là xây dựng văn hoá hạnh phúc trong nhà trường”.
Buổi hội thảo đã có nhiều ý kiến, tham luận chia sẻ về khả năng áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu của THHP vào Việt Nam, sự tham gia của các bên liên quan cùng quá trình hiện thực hoá THHP thông qua đầu tư vào các hiệu trưởng – người gieo mầm hạnh phúc. Bên cạnh đó, hội thảo cũng nhắc đến vai trò của các doanh nghiệp trong việc tạo ra các sáng kiến đổi mới và bổ sung nguồn lực xã hội hóa cho THHP.
Ông Đỗ Mạnh Cường, Công ty Genetica Châu Á đã đưa ra phương án tiếp cận cá nhân hoá, phát hiện và thúc đẩy “Gen hạnh phúc” của mỗi cá nhân trong trường học. Thông qua đó sẽ giúp chúng ta chú ý tới việc tối đa hoá tiềm năng của từng học sinh trong trường.
Quá trình xây dựng trường học hạnh phúc có rất nhiều thách thức, có thể bao gồm cả đam mê nhiệt huyết nhưng cũng có lúc chật vật, đau đầu. Quá trình này cần sự chung tay và đồng hành, cam kết của tất cả các bên liên quan trong đó cách tiếp cận một cách hệ thống từ Trung ương tới địa phương là điều cần được quan tâm hàng đầu.
Nói về vấn đề này, một đại biểu dự hội thảo khá cũng khẳng định vai trò của Người Hiệu trưởng: “Trong quá trình này, hiệu trưởng đóng vai trò rất quan trọng, là người kiến tạo sự thay đổi – người hiệu trưởng hạnh phúc sẽ kiến tạo đổi mới, gieo mầm hạnh phúc tới tất cả hệ thống và tấ cả các bên liên quan”.
Hội thảo nhấn mạnh việc xây dựng trường học hạnh phúc ở bất kỳ trường nào cũng có thể đạt được những hiệu quả nhờ sự thay đổi của hiệu trưởng và tác động của họ đến toàn bộ nhà trường. Dự án “Hiệu trưởng – người gieo mầm hạnh phúc” mong muốn tập huấn, bồi dưỡng cho 10.000 Hiệu trưởng các trường phổ thông trong cả nước nhằm nâng cao nhận thức trong việc xây dựng môi trường học tập vui vẻ, nhân ái tại Việt Nam.
Nguyễn Liễu