Thụy Điển là một nước còn giữ nhiều truyền thống nông dân và tôn giáo, có nhiều lễ hội dân gian. Dưới đây, xin giới thiệu tiếp một số lễ hội dân gian Thụy Điển.
Các bữa tiệc tôm càng là một truyền thống hàng năm ở Thụy Điển, nơi mọi người cùng nhau ăn tôm và dành thời gian cho nhau. Các bữa tiệc tôm càng thường diễn ra vào tháng 8 và đánh dấu sự kết thúc của mùa Hè. (Nguồn: sweden.se) |
Ngày Cá tháng Tư (1/4): đây là ngày cho phép làm đủ mọi trò để đùa giỡn người khác. Trẻ em đánh lừa người lớn, cho “vào tròng” rồi hát:
Tháng Tư, tháng Tư, cá trích ngốc nghếch
Thế là tớ lừa được chú mình…
Ở nơi làm việc, có người được báo là phải đi trả lời điện thoại số X..; lẽ dĩ nhiên đó là số điện thoại của một người không quen biết. Báo chí “phịa” ra một tin đăng rất trịnh trọng. Có lần, vô tuyến giới thiệu phương pháp biến hình ảnh đen trắng thành ảnh màu bằng cách căng một mảnh tất nilon trước màn ảnh nhỏ, khán giả loay hoay cả tối mất công toi.
+ Ngày 30/4, mùa Xuân xuất hiện đã được vài tuần ở miền Nam, nhưng chưa có mặt ở miền Bắc lạnh lẽo. Theo phong tục, ngày 30/4 là ngày vào Xuân (Valpurgis), đặc biệt là ngày hội của sinh viên. Ở một vài thành phố có trường đại học, nhất là ở Uppsala, hàng nghìn sinh viên đội mũ lưỡi trai trắng chỉ dùng cho lễ hội, tụ tập nhau vào buổi chiều để nghe các bài ca và diễn văn về mùa Xuân; sau đó, họ dự các cuộc vui tổ chức trong thành phố. Nhân dân cũng thường họp quanh đống lửa gọi là Lửa hội miền Valborg để hát đồng ca.
+ Ngày 1/5: nếu ngày 30/4 được coi là lễ hội đầu xuân ở thành phố thì ở nông thôn, lễ này tổ chức vào ngày 1/5 (hội họp, giải trí ngoài trời). Ngày nay, ngày 1/5 còn là ngày hội Quốc tế Lao động.
+ Lễ Chúa lên trời (Kristi Himmels fards dag): là lễ tưởng nhớ Chúa Jesus lên trời 40 ngày sau lễ Phục sinh; lễ tổ chức vào ngày thứ năm, tuần lễ thứ sáu sau lễ Phục sinh. Ngày xưa, thanh niên đi lễ, đi dã ngoại rồi về nhảy ở vựa lúa hay ngoài trời. Ngày nay, người ta cũng đi chơi ngoài trời; người ta dậy từ 3-4 giờ sáng rồi tụ tập trong rừng nghe chim cu hót, có thể là lần đầu tiên trong năm. Nếu tiếng chim từ phía Đông, phía Tây vọng lại thì là điều lành; từ phía Nam, phía Bắc là điều gở. Người ta mang theo cà phê và bánh mì, có thể chơi nhạc hoặc ca hát, hoặc khai mạc mùa câu cá. Từ năm 1938, lễ này còn được gọi là lễ hội của phong trào chống nghiện rượu.
+ Ngày 30/4, ngày Chủ nhật của tuần thứ bảy sau lễ Phục sinh, để tưởng niệm Chúa Thánh thần xuống với các tông đồ của Chúa Jesus. Ngày nay, người ta thường đổ chức đi chơi ngoài trời, trang trí trong nhà bằng cành lá và hoa. Nhiều cặp chọn ngày ấy làm lễ cưới.
+ Hội các bà mẹ: Chủ nhật cuối cùng của tháng Năm (nguồn gốc là tục lệ ở Mỹ nhập vào Thụy Điển năm 1919). Hôm đó, nhà cửa được trang hoàng, các con mang bữa điểm tâm đến tận giường mẹ, không để mẹ làm gì cả, tặng mẹ thơ và bài hát. Các con xin lỗi mẹ vì không được ngoan lắm, hứa sẽ ngoan hơn. Ở xa, các con gửi thư và điện về mừng mẹ. Vì tặng phẩm hầu như bắt buộc, giới công thương nghiệp đã làm để bán nhiều tặng phẩm.
+ Ngày Quốc khánh hay Hội cờ (ngày 6/6): Thụy Điển vốn không có ngày Quốc khánh, ngày hội linh đình của toàn dân như ở các quốc gia khác. Cuối thế kỷ trước, Arthur Hazelius, người sáng lập Viện Bảo tàng ngoài trời ở Stockholm lấy tên là Skansen có đề ra ngày 6/6 là ngày có nhiều sự kiện lịch sử: vua Gustav Vasa lên ngôi (1523); ngày tuyên bố Hiến pháp (1809); ngày công nhận lá cờ quốc gia (1919). Từ năm 1983, ngày hội cờ được đánh dấu bởi nhiều tập quán mới: các trường đều tham gia, khắp nơi treo cờ, nhà vua trao cờ cho các hội. Ở các thị trấn có diễu hành, diễn văn, âm nhạc… Tính chất quân sự dần dần mất hẳn.
+ Lễ Thánh Jean – Hội mùa Hè: đây là lễ hội rất quan trọng đối với một nước khí hậu lạnh thèm nắng. Hội còn có tên là Hội giữa Hè (Midsommar), tuy không thật đúng nghĩa vì ở Bắc Âu, miền Bắc lúc đó mới vào Hè. Ở miền Nam, mặt trời chỉ lặn trong vài giờ; ở miền Bắc, mặt trời không lặn, sáng suốt đêm.
Ngày 24/6 là ngày lễ Jean Baptiste. Những năm 50, lịch Thụy Điển được cải cách; lễ thánh Jean được quy định vào ngày thứ Bảy gần ngày 24/6 nhất.
Buổi sáng hôm trước ngày lễ, người ta trang hoàng nhà, nhà thờ, xe hơi, phòng họp, phòng nhảy bằng hoa, lá, cành. Mỗi làng, mỗi thành phố dựng cột thánh Jean làm bằng một cây thập tự to trang trí hoa lá; người ta nhảy xung quanh cột, đến tối lại tiếp tục nhảy trong vựa lúa hay ở bến sông. Dân thành phố đi chơi nông thôn. Người thủ đô thường đi các đảo hay thăm Skansen là Bảo tàng ngoài trời có xây nhiều nhà cổ.
Món ăn ngày lễ hội là cá trích ăn với khoai tây mới bới, nấu với thìa là; tráng miệng bằng quả dâu. Đêm thánh Jean có nhiều tục lệ mê tín dân gian. Nếu ai lấy được sương đêm đầy lọ thì dùng làm thuốc chữa được bách bệnh; một số lá cây có thể dùng làm thuốc rất hiệu nghiệm. Trai gái đi hái bảy hay chín loài hoa ở bảy cánh đồng hay bảy bờ hồ, làm thành bó hoa cho xuống dưới gối, đêm nằm mơ sẽ thấy mặt người vợ hay chồng tương lai. Có thể ăn “cá trích trong mơ” hay “ bát canh trong mơ”.
+ Lễ ăn tôm: tục lệ này xuất hiện từ cuối thế kỷ thứ XIX, khi chính phủ cấm câu tôm mỗi năm trong một thời gian. Ngày bắt đầu được phép câu (ngày thứ tư của tuần thứ hai trong tháng tám) trở thành lễ hội. Hôm sau, có thể mua tôm ở chợ và ăn tôm ở các tiệm ăn. Người ta định một tối nào đó sau ngày lễ để họp nhau trên gác sân hay ban công, dưới những chiếc lồng đèn xếp. Ai cũng đội mũ giấy nhố nhăng và đeo yếm dãi khi ngồi vào bàn ăn tôm nấu thìa là, chỉ ăn với bánh mì và pho mát, uống bia hay một cốc rượu trắng. Có nhiều bài hát chuốc rượu ở lễ hội rất Thụy Điển này.
[Còn tiếp]