Đóng góp của Việt Nam với khu vực
GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế -Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật): Việc Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này được Nhật Bản và các thành viên G7 khác hoan nghênh chào đón. Đóng góp và sự tham gia của Việt Nam vào Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific) thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chứng minh rằng các nước đang phát triển là một phần của các hiệp định thương mại tiên tiến nhấn mạnh tính minh bạch, quy tắc và hợp tác.
Là một quốc gia đang phát triển ở Đông Nam Á, Việt Nam có thể thảo luận với các thành viên G7 về tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trong khu vực. Đó còn là vai trò trung tâm của ASEAN và cách các quốc gia như Việt Nam hợp tác với các thành viên G7 để đóng góp xây dựng một Indo-Pacific thịnh vượng thông qua tăng cường cơ sở hạ tầng và kết nối, đầu tư, giao lưu nhân dân và quản trị tốt.
Cần tiếng nói từ Việt Nam
TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ): Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Nhật Bản đã mời Việt Nam vì nhiều lý do.
Trước tiên, chủ đề chính của G7 năm nay là ứng phó xung đột Ukraine. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế mà G7 nhằm vào Nga lại phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ các nước nam bán cầu (thường được dùng chỉ chung các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung – Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, hay Đông Nam Á – NV). Và các nước nam bán cầu lại hứng chịu tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng cao khi Nga không thể xuất khẩu nhiều do các lệnh trừng phạt. Điều này đặt ra vấn đề nghiêm trọng đối với một số nước nghèo ở nam bán cầu.
Tháng 6.2022, Ngoại trưởng Ấn Độ S.Jaishankar từng nói: “Châu Âu phải từ bỏ suy nghĩ rằng các vấn đề của châu Âu là vấn đề của thế giới, nhưng các vấn đề của thế giới không phải là vấn đề của châu Âu”. Đó cũng là quan điểm của các nước nam bán cầu. Vì vậy, để nhận diện được vấn đề, Nhật Bản cần các quốc gia nam bán cầu như Việt Nam, cho dù Việt Nam không phải là nước nghèo.
Thứ hai, làm thế nào để đối phó với thách thức ở khu vực từ sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng là chủ đề chính của G7 năm nay. Trong G7, Nhật là quốc gia duy nhất nằm ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (Indo-Pacific), còn Mỹ được tính phạm vi toàn cầu. Vì vậy, dưới thời Thủ tướng Fumio Kishida, Nhật Bản muốn đối thoại về Indo-Pacific. Do đó, các bên khách mời có các đại diện Indo-Pacific bao gồm Việt Nam, Ấn Độ, Úc, Indonesia, Quần đảo Cook, Hàn Quốc. Cùng với các thành viên G7 khác, Nhật Bản muốn Việt Nam thảo luận về cách đối phó với thách thức của khu vực. Ví dụ, trong vấn đề an ninh kinh tế, thì rõ ràng Việt Nam là một điểm đến nổi bật cho quá trình chuyển dịch sản xuất của các công ty, tập đoàn lớn.
Thứ ba, vì muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với Việt Nam nên Nhật Bản đã mời Việt Nam. Những người tiền nhiệm của Thủ tướng Kishida như các Thủ tướng Shinzo Abe, Yoshihide Suga đều chọn Việt Nam và Indonesia nằm trong nhóm đầu để công du nước ngoài sau khi nhậm chức. Cùng với Ấn Độ và Úc, Việt Nam và Indonesia là những quốc gia được Nhật Bản chú trọng từ lâu. Việc mời Việt Nam thể hiện Nhật Bản mong muốn thúc đẩy quan hệ song phương với Việt Nam.
Vì vậy, để giải quyết các thách thức lớn hiện nay, cũng như nâng tầm quan hệ song phương, Nhật Bản mời Việt Nam tham gia Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng.