Bác Hồ trong ký ức của nhạc sĩ Huy Sô là người lãnh tụ rất “kỳ lạ”. Người giản dị, gần gũi và thân thuộc như ông nội, ông ngoại mình vậy! 55 năm trôi qua kể từ ngày đầu tiên được gặp Bác, đến nay nhạc sĩ Huy Sô vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc khi nhắc lại câu chuyện này. Để rồi từ đó, những lời ca cùng nốt nhạc khi nhạc sĩ đặt bút viết về Người là sự thăng hoa của tình cảm, của sự kính trọng và lòng biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Lần đầu tiên gặp Bác
Đã bước vào tuổi 97, thế nhưng nhạc sĩ Huy Sô, tên thật là Huỳnh Sanh Châu (phường Bình Hưng, TP. Phan Thiết) vẫn minh mẫn, mạnh khỏe và đặc biệt, ông rất vui và hạnh phúc khi nhắc về kỷ niệm đẹp nhất cuộc đời mình là được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời. Và chính những kỷ niệm tươi đẹp trong quá khứ đấy mà suốt chặng đường sáng tác của mình, nhạc sĩ Huy Sô đã dành nhiều tâm huyết, thời gian để cho ra đời những tác phẩm âm nhạc về Bác Hồ kính yêu.
Nhạc sĩ Huy Sô cho biết, ngày thơ ấu ông chuyên học lỏm cách thổi kèn từ giặc Pháp, đóng gần nhà mình và đó cũng là cơ duyên để ông gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc. Năm 14 tuổi, ông tham gia cách mạng. Tiếng kèn của ông cũng theo vào những trận đánh, tạo nên một khí thế hừng hực của quân và dân vùng biển Phan Thiết, trong những năm đầu của thập kỷ 50. Đến năm 1954, ông tập kết ra Bắc và được học bổ túc trung cấp âm nhạc tại Trường Âm nhạc Việt Nam, tham gia sưu tầm dân ca Nam bộ ở Sư đoàn 330. Năm 1959, ông học tiếp bộ môn sáng tác và chỉ huy dàn nhạc. Sau đó được cử đi tu nghiệp hai năm tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô cũ). Từ tháng 8 năm 1964, ông phụ trách Đoàn Văn công Quân khu 4, sáng tác nhạc múa và ca khúc, năm 1971 chuyển về Đài Tiếng nói Việt Nam làm biên tập viên buổi phát thanh Binh vận. Năm 1976, ông phụ trách Đoàn Ca Múa Thuận Hải, năm 1981 làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, năm 1986 là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Thuận Hải. Có lẽ cột mốc mà nhạc sĩ Huy Sô nhớ nhất trong cuộc đời của mình đó chính là năm 1968, ông được lệnh dẫn đoàn ra Hà Nội biểu diễn tại Phủ Chủ tịch. Nhắc lại câu chuyện không thể phai này, ánh mắt ông lại lấp lánh tươi vui và nét mặt như trẻ ra hàng chục tuổi. Ông kể: Cuối năm 1968, có lệnh Tổng cục Chính trị dẫn đoàn ra diễn ở Hà Nội. Lúc này, ông cùng các thành viên trong đoàn chưa biết diễn cho ai xem, thế nhưng sau đó được đưa vào diễn ở trong Phủ Chủ tịch. Hồi ấy, hội trường của Bác đơn giản lắm, là những ghế gỗ. Đoàn của ông chuẩn bị chỗ diễn xong thì thấy Bác Hồ bên ngoài đi vào. Nhớ lại giây phút đó, nhạc sĩ Huy Sô kể tiếp: Lúc đấy, Bác đã hỏi: Chú nào phụ trách Đoàn văn công ở đây? – Tôi trả lời: Dạ là con ạ. Thế chú định diễn cho Bác xem trong bao nhiêu phút. Thưa Bác là 62 phút ạ. Bác cười, Bác nói cố gắng nha.
“Bác giản dị và gần gũi quá, thân thuộc như ông nội, ông ngoại mình vậy!”, nhạc sĩ Huy Sô chia sẻ ấn tượng mãi không quên của mình về lần đầu được gặp Bác. Lần này, nhạc sĩ và các thành viên trong đoàn được Bác Hồ tặng kẹo và khích lệ vì những thành tích phục vụ cho các chiến sĩ ngoài tiền tuyến vì cuộc chiến giải phóng dân tộc dài lâu.
Đến tận bây giờ, khi đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm”, nhắc lại câu chuyện được gặp Bác, nhạc sĩ Huy Sô rất đỗi tự hào. Ông hạnh phúc trong nỗi nhớ và tình yêu thương đối với Bác Hồ.
Bóng Bác trên quê hương tôi
Năm 1910, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trên đường vào Nam đã ghé đến Phan Thiết dạy học tại ngôi Trường Dục Thanh. Trong thời gian dạy học ở Trường Dục Thanh, lúc đầu thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở nhờ nhà cụ Hồ Tá Bang, sau chuyển ra ở cùng với học sinh nội trú của trường tại nhà Ngư trong khuôn viên trường. Thầy được phân công dạy chữ Hán và chữ Quốc ngữ cho học sinh lớp Nhì, phụ trách thể dục buổi sáng cho trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh trong các hoạt động ngoại khóa của trường. Mặc dù việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng thầy giáo Nguyễn Tất Thành nhiệt tình truyền dạy cho học sinh lòng yêu quê hương, đất nước, nòi giống tổ tiên cho học sinh. Nhờ sự giáo dục và hướng dẫn của thầy Nguyễn Tất Thành mà những học sinh đó sau này đều trở thành những hạt nhân trong phong trào cách mạng ở Phan Thiết và các địa phương khác trong cả nước. Chính những xúc tác đặc biệt đó, nhạc sĩ Huy Sô đã sáng tác ca khúc “Bóng Bác trên quê hương tôi”.
“Tôi nghe trong gió, tôi nghe trong sương tiếng Người về đâu đây?
Tôi đi trong nắng, tôi theo bóng Người hòa trong ánh sáng ơ hơ, Nguyễn Tất Thành…”.
Lời ca từ của bài hát nhẹ nhàng, sâu lắng thể hiện tình cảm, sự kính trọng, biết ơn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.
Năm 2017, sau 44 năm ấp ủ, nhạc sĩ Huy Sô đã cho ra mắt tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức”. Ông cho hay, đây là cảm xúc của ông về hình tượng một lãnh tụ qua những đêm không ngủ, trọn một đời lo cho nước cho dân. Trong hợp xướng có những giai điệu kèn xen kẽ, nổi lên như một tình cảm da diết thương yêu Bác, người đã một đời thao thức vì dân tộc. Những âm hưởng dân ca của một vùng đất Chăm, một thời nhạc sĩ đã từng học thuộc qua lời ru của người mẹ thân yêu lúc còn nhỏ được lấy làm chủ đạo cho cấu trúc tác phẩm.
Tổ khúc hợp xướng “Cả cuộc đời thao thức” gồm có 3 phần trên cơ sở 3 bài thơ. Bài thứ nhất “Không ngủ được” được nhạc sĩ viết trên nền nhạc thuần túy dân tộc, bài thứ hai “Đêm không ngủ” dựa trên điệu ru con Phan Thiết của mẹ ông ngày xưa và bài cuối cùng “Cảnh khuya” với hòa thanh hiện đại”, nhạc sĩ Huy Sô chia sẻ.
Và chỉ vỏn vẹn 12 câu thơ của 3 bài thơ nhưng qua bàn tay và tấm lòng của người nhạc sĩ tài hoa, người nghe như cảm nhận được sự dằng dặc khôn nguôi của một người luôn vì dân, vì nước nên cứ “băn khoăn giấc chẳng thành”. Bàng bạc, xuyên suốt trong tổ khúc là những câu hát tạo điểm nhấn “Gió ơi gió, hãy ru Người ngủ được yên lành. Gió ơi gió, hãy ru Người ngủ trọn năm canh…” được lặp đi lặp lại nhiều lần, khi mở đầu, khi kết thúc cũng như khi chuyển sang bài khác giống hệt như tiếng ru nhẹ nhàng, dịu êm của gió đu đưa bên hàng trúc trồng ven lăng Bác, nơi Bác ngủ giấc trăm năm.
Ông tâm sự: “Tôi viết chắc nên viết rất chậm, vì vậy tác phẩm không nhiều. Riêng với tổ khúc hợp xướng này từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành kéo dài 44 năm là điều ấp ủ, tâm đắc nhất của tôi về đề tài Bác Hồ”.
Tác phẩm này đã đoạt giải B của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017. Ngoài ra, ông cũng được giới chuyên môn đánh giá cao bằng các giải thưởng ở những sáng tác khác như “Ngôi sao dẫn đường” viết năm 1980, giải ba do Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao, bài hát thiếu nhi “Nghe lời Bác em trồng cây” giải nhì năm 2014, hợp xướng “Tiếng gọi từ biển đảo” giải khuyến khích năm 2015 đều có hình ảnh Bác Hồ…