(HNM) – Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á năm 2023 với sự hiện diện của chủ nhà Trung Quốc và các quốc gia Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan đã thành công tốt đẹp. Kết quả đó không chỉ củng cố quan hệ hợp tác nội vùng mà còn nâng tầm khu vực trong bối cảnh kinh tế – chính trị toàn cầu hiện nay.
Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á năm 2023 diễn ra trong 2 ngày (18 và 19-5), tại thành phố cổ Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, là điểm cuối phía Đông của “con đường tơ lụa” từng kết nối Trung Quốc với châu Âu thông qua Trung Á. Đây là lần đầu tiên hội nghị diễn ra trực tiếp kể từ khi Trung Quốc thiết lập quan hệ với các nước Trung Á cách đây 31 năm.
Trước ngày khai mạc, lãnh đạo các nước đối tác đã hội đàm song phương lần đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại các cuộc gặp, nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường hợp tác ở nhiều lĩnh vực trên nền tảng tình hữu nghị lâu dài, đoàn kết và cùng có lợi, đồng thời phát triển hợp tác toàn diện để đóng góp vào sự tăng trưởng chung với các nước láng giềng. Người đứng đầu nền kinh tế số một châu Á nhấn mạnh, thế giới cần một Trung Á ổn định, thịnh vượng, hài hòa và kết nối tốt.
Kết quả hợp tác thời gian qua đã chứng minh cho điều đó. Giao thương giữa Trung Quốc với các nước Trung Á đạt mốc 70 tỷ USD vào năm 2022, trong đó Kazakhstan dẫn đầu với 31 tỷ USD. Quý I-2023 ghi nhận chỉ số này đã cao hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Bức tranh kinh tế sáng màu này một phần là kết quả nỗ lực tìm kiếm các liên kết kinh tế sâu sắc hơn nhằm đạt được an ninh năng lượng và lương thực chắc chắn hơn mà Trung Quốc theo đuổi. Những năm qua, quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều thứ hai thế giới này cũng đã đầu tư hàng tỷ USD vào các mỏ khí tự nhiên và hạ tầng vận tải tại Trung Á.
Nối dài những thành tựu đã đạt được và hiện thực hóa các cam kết trên, tại hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch hợp tác với cam kết “đưa các nước Trung Á lên tầm phát triển mới”. Theo đó, Bắc Kinh sẽ phối hợp chiến lược phát triển của mình với các quốc gia trong khu vực, theo đuổi nỗ lực chung để hướng tới hiện đại hóa. Trung Quốc kỳ vọng có thể nâng cấp các thỏa thuận đầu tư song phương, tăng khối lượng hàng hóa xuyên biên giới với khu vực này một cách toàn diện. Bắc Kinh cho biết, sẽ khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư của Trung Quốc tạo thêm nhiều việc làm tại các địa phương Trung Á; xây dựng các kho hàng nước ngoài trong khu vực; khởi động dịch vụ đường sắt đặc biệt nhằm thúc đẩy du lịch văn hóa…
Trung Quốc còn xây dựng kế hoạch hợp tác năng lượng qua các chuỗi công nghiệp, đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng lượng mới. Bắc Kinh ủng hộ việc hình thành hành lang vận tải quốc tế xuyên biển Caspian và sẽ xây dựng các trung tâm vận tải cho dịch vụ tàu hàng giữa Trung Quốc và châu Âu.
Phản ứng tích cực trước những đề xuất của Trung Quốc, các nước tham dự hội nghị đều tỏ rõ quyết tâm làm việc cùng nhau để vượt qua thách thức, tạo lập một cộng đồng Trung Quốc – Trung Á gần gũi với một tương lai chung. Bên cạnh hợp tác kinh tế, thời gian tới, các bên cũng sẽ đẩy mạnh giao lưu nhân dân trên diện rộng, với các điểm nhấn là thể thao, khảo cổ học, du lịch, y tế… Tất cả mong muốn này đều thể hiện rõ nét trong Tuyên bố Tây An – Văn kiện chính thức được thông qua tại hội nghị.
Có thể khẳng định, Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc – Trung Á năm 2023 đã thổi luồng sinh khí mới vào môi trường hợp tác khu vực, đồng thời mở ra cơ hội và động lực cho sự phát triển của cả 6 quốc gia. Những bước đi tích cực này tiếp tục đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực cũng như trên thế giới.