Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hòn Đất (Kiên Giang) Đào Xuân Nha, thực hiện kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, huyện xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự thành công của việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với thế mạnh về sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, UBND huyện Hòn Đất tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung ưu tiên phát triển cây trồng, vật nuôi trên cơ sở phát huy hết tiềm năng và lợi thế sẵn có của địa phương, đem lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho người dân nông thôn.
Thành viên Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất, huyện Hòn Đất chăm sóc vườn xoài.
Huyện Hòn Đất còn chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; vận động người dân tham gia kinh tế hợp tác, hợp tác xã gắn với liên kết với các doanh nghiệp thực hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị từ đầu vào sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Huyện tăng cường phối hợp các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học chuyển giao những ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, giúp người dân nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Nhiều mô hình phát triển sản xuất phát huy được hiệu quả, góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân trong huyện như mô hình cánh đồng lớn, luân canh tôm lúa, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trồng khoai lang trên đất lúa, trồng xoài theo hướng VietGAP, nuôi tôm siêu thâm canh vùng ven biển…
Xã Thổ Sơn có diện tích trồng xoài lớn nhất của huyện Hòn Đất. Những năm trước, hầu hết nông dân trồng xoài nơi đây chủ yếu bán xoài cho các chủ vựa trái cây tại địa phương nên giá cả bấp bênh. Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất thành lập năm 2018 đã giúp nông dân trồng xoài không còn lo lắng về khâu tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình trồng xoài cát Hòa Lộc theo hướng VietGAP của hợp tác xã tạo ra hướng đi mới cho các nhà vườn trên địa bàn xã. Quy trình từ chăm sóc tới thu hoạch đều được giám sát chặt chẽ với tiêu chí ưu tiên chất lượng sản phẩm, mỗi trái xoài đều được thành viên hợp tác xã tuyển chọn kỹ, phân loại, dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR là biết được thông tin về quy trình sản xuất, nơi sản xuất, địa chỉ liên lạc…
Với cách làm này, giúp sản phẩm đảm bảo chất lượng, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng nên giá bán xoài của Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất cao hơn. Hiện thương hiệu xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh biết đến. Hợp tác xã ký kết với doanh nghiệp nhiều hợp đồng đặt hàng, giúp thành viên hợp tác xã có đầu ra ổn định.
Ông Nguyễn Thành Đô – Giám đốc Hợp tác xã xoài cát Hòa Lộc Hòn Đất cho biết: “Chính quyền địa phương hỗ trợ hợp tác xã trong việc cải tiến quy trình sản xuất, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại, giờ đây sản phẩm xoài cát Hòa Lộc của hợp tác xã tạo được uy tín, khách hàng tin tưởng, giúp nông dân có đầu ra ổn định, thu nhập ngày càng khá hơn”.
Định Hòa, huyện Gò Quao (Kiên Giang) là xã có đông đồng bào Khmer. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Định Hòa đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trong đó có hộ đồng bào Khmer.
Người dân được Nhà nước vận động tham gia hợp tác xã, sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, từng bước mở ra những triển vọng hướng đi mới cho nông dân sản xuất lúa trên địa bàn xã.
Ông Lê Thanh Bình – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phong Phú, xã Định Hòa, chia sẻ: “Thành viên hợp tác xã rất đồng tình tham gia thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo mô hình cánh đồng lớn, vừa giúp thành viên tiết kiệm chi phí sản xuất vừa an tâm vì có đầu ra ổn định, kinh tế của nhiều hộ gia đình từ đó trở nên khá giả, tích lũy mua thêm ruộng đất, xây dựng nhà cửa khang trang hơn”.
Bài và ảnh: THÙY TRANG