Thủ tướng Ðức Olaf Scholz (ảnh) vừa lên tiếng kêu gọi cải cách các thể chế quốc tế, bày tỏ mong muốn có thêm các nước tham gia Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HÐBA LHQ).
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Giải pháp toàn cầu thường niên diễn ra trong hai ngày 15-16/5 ở Berlin, Thủ tướng Scholz hối thúc cải cách cơ bản các thể chế quốc tế nhằm loại bỏ những bất lợi của các nước mới nổi và đang phát triển. Ông cho rằng, trong tương lai, các nước châu Phi cần có sự hiện diện mạnh hơn nữa ở G20 và có ghế thường trực trong HÐBA LHQ. Trong nhiều thập niên qua, Ðức cùng với Brazil, Nam Phi và Nhật Bản, đã nỗ lực kêu gọi cải tổ cơ quan cao nhất của LHQ, trong đó chỉ những cường quốc chiến thắng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai mới có ghế thường trực như hiện nay.
Thủ tướng Scholz cũng lên tiếng chỉ trích những luận điểm về sự phát triển hướng tới một thế giới hai cực hoặc ba cực. Ông nhấn mạnh: “Bất kỳ trật tự quốc tế nào vận hành được đều phải phản ánh bản chất đa cực của thế giới. Thế giới đơn cực hoặc lưỡng cực của ngày hôm qua, ít nhất là với các cường quốc, có thể dễ dàng định hình hơn, song đó không còn là thế giới mà chúng ta đang sống nữa”. Ông Scholz cảnh báo rằng các cường quốc có thuộc địa trước đây cần phải ý thức rằng những ký ức thời thuộc địa cho đến ngày nay vẫn còn hiện hữu ở nhiều quốc gia Nam bán cầu. Do vậy theo ông, “một lần xin lỗi là không đủ, mà cần phải thay đổi quan điểm và hướng tới các mối quan hệ thực sự bình đẳng”.
Kể từ khi nhậm chức thủ tướng cuối năm 2021, ông Olaf Scholz luôn quan tâm tới quan hệ với các nước mới nổi và đang phát triển trong chính sách đối ngoại của Ðức. Khi Berlin giữ chức chủ tịch luân phiên Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) năm 2022, Thủ tướng Scholz đã mời Ấn Ðộ, Argentina, Nam Phi và Indonesia tham dự cuộc họp của lãnh đạo các nước công nghiệp ở Ðức.
Liên quan vấn đề trên, Thủ tướng Ðức Scholz cũng kêu gọi cần cải cách trật tự tài chính quốc tế, trong đó Ngân hàng Thế giới (WB) được đề cập tới như một tổ chức phát triển quan trọng nhất. Ông kêu gọi các nhà cho vay khác, bên cạnh các nước cấp tín dụng phương Tây, tham gia các cuộc đàm phán về nợ nhà nước của các nước đang phát triển. Thủ tướng Scholz chỉ trích việc chi quá nhiều tiền cho các hoạt động hoặc các khoản đầu tư không có ý nghĩa, nhấn mạnh rằng các nước giàu tài nguyên sẽ có lợi khi được hỗ trợ chế biến sản phẩm ngay ở nước họ.
MẠNH HÙNG