Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung chỉ thị đặt ra một số yêu cầu với các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền… tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt một số mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; trong đó có yêu cầu ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp.
Cụ thể, Ban Bí thư yêu cầu tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp trong tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục – đào tạo, tương xứng với vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp, nhất là cho đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn.
Chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công – tư nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nhiều nguồn lực cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực, địa bàn mà khu vực ngoài công lập có thể tham gia; bảo đảm chính sách bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập.
Trong chỉ thị nêu mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, thu hút 50 – 55% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; có khoảng 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, trong đó có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện chức năng trung tâm quốc gia, trung tâm vùng; một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, G20; có khoảng 200 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 15 – 20 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN và thế giới.
Ðến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Trong công tác tổ chức thực hiện, Chỉ thị số 21-CT/TW yêu cầu Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện chỉ thị; bảo đảm ngân sách nhà nước cho việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.