Cùng với những khó khăn do thiếu hụt đơn hàng, ngành dệt may đang chịu sức ép về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng. Xanh hóa sản xuất đã trở thành một yêu cầu bắt buộc với ngành dệt may để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thế giới.
Một công nghệ mới tại triển lãm ngành may mặc do Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức ở TP.HCM. Ảnh: V.GIA |
Các doanh nghiệp (DN) cũng đang có sự dịch chuyển, phát triển theo xu hướng bền vững, trong đó chủ động hơn đối với nguyên phụ liệu cho sản xuất.
* Sức ép truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu
Các thị trường xuất khẩu hàng may mặc lớn của Việt Nam đang ngày càng đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ của nguyên phụ liệu cấu thành sản phẩm. Nhiều thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc đã có những quy định liên quan đến quy trình sản xuất thân thiện với môi trường. Đơn cử, Hoa Kỳ yêu cầu tuân thủ đạo luật chống lao động cưỡng bức có hiệu lực từ tháng 6-2022, hay các nước châu Âu cũng bắt đầu thực hiện các quy định truy xuất nguồn gốc với chuỗi cung ứng dệt may theo luật tra soát chuỗi cung ứng.
Không chỉ vậy, các nhãn hàng lớn trên thế giới như Adidas cũng đưa ra yêu cầu cụ thể với các bên trong chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, công nghệ, năng lượng sạch… Các nguyên liệu mới cấu thành sản phẩm phải là nguyên liệu có hàm lượng phát triển bền vững và được sản xuất từ dây chuyền phát thải carbon thấp. Tiêu chí minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc xuất xứ nguyên vật liệu đầu vào và phải kết nối với hệ thống truy xuất của nhãn hàng. Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn như vậy thì DN mới có cơ hội để hợp tác lâu dài.
Theo Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc tế Việt Đức (H.Xuân Lộc) Lê Văn Quang, các đối tác, nhãn hàng quốc tế lớn đánh giá rất kỹ nhà sản xuất sản phẩm. Ngoài chất lượng sản phẩm, những yếu tố như: nguồn gốc nguyên liệu, sản xuất xanh, thân thiện với môi trường cũng như chăm lo phúc lợi cho người lao động, trách nhiệm xã hội rất quan trọng.
* Phải chủ động để nâng cấp
Ở góc độ quốc gia, phát triển ngành dệt may đáp ứng nhu cầu cao của thế giới đòi hỏi ngành phải có sự chuyển đổi. Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Thiếu nguyên phụ liệu là điểm nghẽn của ngành dệt may Việt Nam nhiều năm qua. Do vậy, cần có giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may, da giày chú trọng đến sản xuất vải nhân tạo, da thuộc, khuyến khích sản xuất vải từ sợi sản xuất trong nước nhằm giảm nhập khẩu, hình thành chuỗi giá trị và cung ứng hoàn chỉnh trong ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, việc thay đổi tư duy, chiến lược trong tầm nhìn phát triển ngành dệt may Việt Nam đã và đang được tính toán đến. Ngành sẽ tập trung vào việc phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh với quy mô lớn, đầu tư vào thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh, sạch, thân thiện môi trường… Đồng thời, phát triển theo chiều sâu, thay vì chiều rộng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như: thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, phân phối để từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi
sản xuất.
Trên thực tế, các DN trong ngành dệt may với tiềm lực của mình cũng đã có sự chủ động ở những mức độ khác nhau. Ngoài các đơn vị lớn, được đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài thì các công ty thuần Việt đang hết sức nỗ lực. Tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai vài năm gần đây đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng cấp máy móc sản xuất, nâng chất lượng hàng hóa. Đồng thời, công ty cũng ưu tiên chọn nguyên liệu trong nước, tìm kiếm các đối tác để xây dựng nguồn cung nguyên phụ liệu một cách bền vững.
Tương tự, theo ông Hoàng Đình Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Hùng Yến (TP.Biên Hòa), việc chủ động xây dựng nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững là yêu cầu bắt buộc đối với ngành hiện nay. Đối mặt với nhiều khó khăn cùng lúc, nhất là suy giảm từ thị trường xuất khẩu, DN nào sớm giải quyết được vấn đề nguyên liệu bền vững và xanh hóa sản xuất sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Văn Gia
.