Kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2023)
08:52, 19/05/2023
BHG – Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam rất tự hào về nguồn gốc tổ tiên của mình đã tạo lập nên giang sơn, đất nước và truyền lại cho con cháu. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng kế thừa những di sản, những truyền thống quý báu đó vừa là niềm tự hào, tự tôn dân tộc, vừa là nguồn động viên sâu sắc, vừa là trách nhiệm của các thế hệ tiếp bước tổ tiên lập nên những chiến công mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh |
Năm 1941, khi lãnh đạo cao trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Người viết “Lịch sử nước ta” với biết bao lòng tự hào về những trang sử rực rỡ của tổ tiên, cũng là để nhắc nhở đồng bào: “Dân ta phải biết sử ta, Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các chiến sĩ Quyết tử quân Thủ đô năm 1947 càng thể hiện tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc đó: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn tự lập của dân tộc ta mấy ngàn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời sau”.
Báo cáo chính trị trình bày tại Đại hội đại biểu của Đảng lần thứ II (tháng 2/1951), Người nhấn mạnh: “Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”. Quan niệm về một nền văn hóa chung của Việt Nam cần được bảo vệ và phát triển là một bộ phận của chủ nghĩa yêu nước, kế thừa truyền thống đấu tranh chống các mưu đồ và thủ đoạn hủy diệt văn hóa, du nhập văn hóa nô dịch do kẻ xâm lược gây ra và bảo vệ văn hóa dân tộc trong lịch sử dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao niềm tự hào về truyền thống văn hóa, văn hiến, coi đó là một lợi khí góp phần cổ vũ, khích lệ các thế hệ người Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Người đặc biệt coi trọng nuôi dưỡng và phát huy tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc qua đó, nâng cao nghị lực, lòng tin ở sức mạnh của dân tộc, của mỗi người để vượt qua khó khăn thử thách trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Lịch sử dựng nước và giữ nước với biết bao chiến công oanh liệt đánh bại nhiều thế lực xâm lược và những thành quả sáng tạo của dân tộc ta trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao… đã làm nảy mầm và nuôi dưỡng lòng tự tôn, tự hào dân tộc. Lòng tự tôn, tự hào dân tộc là động lực và bệ đỡ tạo nên biết bao hành động cao đẹp, làm vẻ vang cho dân tộc ta từ xa xưa.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cần hiểu đúng vai trò quan trọng của chủ nghĩa yêu nước để qua đó phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước nhằm thực hiện chiến lược đại đoàn kết dân tộc ở tầm cao mới và chiều sâu mới để đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Chủ nghĩa yêu nước cũng cần được bổ sung và phát triển những giá trị mới để đoàn kết mọi người Việt Nam, không phân biệt quá khứ, thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, ý thức hệ, ở trong nước hay ở nước ngoài, tạo nên sự đồng thuận cao trong xã hội. Nếu như các khẩu hiệu Tổ quốc trên hết! Không có gì quý hơn độc lập tự do đã đưa hàng triệu người Việt Nam hăng say chiến đấu và lao động sản xuất ở tiền tuyến và hậu phương để đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thì hiện nay cũng phải biến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thành khẩu hiệu hành động của mọi người Việt Nam yêu nước. Phát huy chủ nghĩa yêu nước, thực hiện được đại đoàn kết toàn dân tộc là nguyên nhân sâu xa đến mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đặng Công Thành (Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng)