SGGP
Chanh leo có giá cao lại xây dựng được thương hiệu để xuất ngoại, nên những năm gần đây, nhiều nông dân ở Tây Nguyên “hốt bạc” nhờ mặt hàng nông sản này. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để tránh rủi ro “được mùa mất giá”.
Vườn chanh leo của anh Phạm Thủ Công (phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) phát triển xanh tốt |
Tỉnh Gia Lai hiện phát triển khoảng 4.500ha chanh leo, được cấp 19 mã vùng trồng cho loại cây này. Các tập đoàn lớn cũng đang xây dựng vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cho người dân. Chanh leo đang có giá cao và mang lại giá trị rất lớn cho người trồng. Người dân nhiều nơi đang mở rộng diện tích với mong muốn đổi đời.
Cánh đồng chanh leo rộng 5ha của nhóm anh Phạm Thủ Công (phường Yên Thế, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai) trồng được 3 tháng, hiện phát triển xanh tốt. Chanh leo được trồng trên giàn tre, thân cây cà phê. Dưới gốc chanh leo đều có phiếu thông tin thể hiện nguồn gốc giống cây trồng. Theo anh Công, 3 tháng trước, thấy chanh leo có giá cao, lại có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên anh mạnh dạn đầu tư trồng. Đất trồng chanh hầu hết chuyển đổi từ cây cà phê.
Tại huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, cây chanh leo cũng mang lại nguồn lợi lớn cho bà con nơi đây. Ông Võ Minh Quang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mang Yang, cho biết, trên địa bàn đã phát triển được 382ha chanh leo và đã xây dựng được 5 mã vùng trồng để xuất khẩu sang Trung Quốc. Hiện nay, chanh leo đang có giá khoảng 15.000 đồng/kg loại thường và 38.000 đồng/kg loại chất lượng dùng để xuất khẩu.
“So với các loại cây trồng khác, chanh leo hiện là cây mang lại giá trị kinh tế cao. Định hướng sắp tới của huyện là tiếp tục mở rộng phát triển theo chuỗi liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, hạn chế rủi ro cho người dân”, ông Quang nói.
Tại Đắk Lắk, thời gian qua, nhiều địa phương cũng phát triển mạnh diện tích chanh leo và bà con thu được lợi nhuận lớn nhờ mặt hàng nông sản này. Huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk) là một trong những vùng trồng chanh leo lớn nhất tỉnh. Nhờ chanh leo, những năm gần đây đời sống bà con ở đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Ông Lê Văn Trọng Đức (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) cho biết, năm vừa qua, trừ hết chi phí, gia đình ông lãi hơn 300 triệu đồng từ vườn chanh leo. Theo ông Đức, gia đình ông có 1ha đất, trước đây chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Tuy nhiên, do giá cà phê liên tục xuống thấp, hồ tiêu liên tục bị bệnh chết dần nên ông chuyển sang trồng chanh leo. Nhờ tham gia vào hợp tác xã nên chanh leo có thị trường tiêu thụ ổn định, kinh tế gia đình ông đã khấm khá hơn trước.
Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cư Kuin, cho biết, nhờ có thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp nên chanh leo tại địa phương phát triển rất tốt, năng suất cao, trung bình từ 30-50 tấn/ha.
“Hiện nay, huyện đang quy hoạch vùng trồng, chuyển đổi một số diện tích cây trồng không hiệu quả để trồng chanh leo. Việc này nhằm tận dụng những khu vực đất còn trống hoặc không phù hợp với cây trồng không hiệu quả”, ông Minh cho biết thêm.
Theo ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có hơn 1.000ha chanh leo. Chanh leo phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Đắk Lắk nên phát triển rất tốt. Đặc biệt, năm qua chanh leo được thị trường Trung Quốc chấp thuận nhập khẩu chính ngạch đã mở ra cơ hội và hướng đi bền vững cho loại nông sản này. Với giá như hiện nay, chanh leo là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên bà con sẽ phát triển mạnh diện tích. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo bà con không nên phát triển diện tích ồ ạt, tránh đi vào vết xe đổ cung vượt cầu như các mặt hàng nông sản khác trước đây. Bên cạnh đó, người dân cần chú trọng đầu tư chất lượng sản phẩm để nâng tầm giá trị sản phẩm của mặt hàng nông này.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT) cho biết, về yếu tố sinh thái, Tây Nguyên thích hợp trồng chanh leo. Chanh leo là cây thực phẩm nên việc sản xuất cần quan tâm đến đầu ra. Với các vùng đã thiết lập được chuỗi giá trị, vùng nguyên liệu rộng lớn, có doanh nghiệp bao tiêu, thu mua, hỗ trợ giống, kỹ thuật thì nông dân cần mạnh dạn đầu tư. Còn ở các vùng chưa có vùng nguyên liệu, đầu ra, nông dân cần cẩn trọng. Theo đó, trước khi phát triển với diện tích lớn, nông dân cần xác định đầu ra, sau đó tổ chức sản xuất theo nhóm với hệ thống thu mua ổn định thì việc đầu tư sẽ an toàn. Khi đầu tư mở rộng theo quy mô hàng hóa, nông dân cần tính toán xây dựng mã vùng trồng để xuất khẩu, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.