Theo Văn phòng Quốc hội, Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV) sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 22-5, dự kiến bế mạc vào ngày 23-6-2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 22-5 đến ngày 10-6; đợt 2 từ ngày 19-6 đến ngày 23-6. Từ ngày 11-6 đến ngày 18-6, Quốc hội nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 22 ngày.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Ba dự thảo nghị quyết gồm: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28-11-2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 9 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2023; báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022… Quốc hội cũng sẽ giám sát tối cao việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; xem xét công tác nhân sự và nhiều nội dung quan trọng khác.
Phát biểu tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, tại kỳ họp này, nội dung xây dựng pháp luật có khối lượng công việc rất lớn, gấp đôi so với kỳ họp trước. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng tiến hành giám sát tối cao, chất vấn và trả lời chất vấn, giám sát chuyên đề quan trọng được cử tri, nhân dân cả nước quan tâm. Cùng với đó là một số báo cáo quan trọng và công tác nhân sự.
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Trần Văn Lâm, còn lượng lớn vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chưa phân bổ, trong đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn còn gần 280.000 tỷ đồng và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội còn hơn 14.000 tỷ đồng. Vấn đề này sẽ được báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 để Quốc hội xem xét những trường hợp nào đủ điều kiện sẽ phân bổ vốn đầu tư.
Đối với việc bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Phó tổng thư ký Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho biết, liên quan đến 3 dự án luật gồm: Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các dự án luật này đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Trong đó, dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đề xuất bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV).
Tin, ảnh: MẠNH HƯNG