“Chợ tình Xuân Dương” có từ lâu đời, mà biết đến “chợ tình” hẳn rằng đã biết đến lời Sli của đồng bào dân tộc nơi đây. Tiếng Sli chảy theo mạch nguồn dân tộc, tiếng Sli kết nối mối duyên cho bao đôi nam nữ, tiếng Sli còn là cách giao tiếp trong ngày chợ đặc biệt ở xã Xuân Dương.
Khác hẳn không khí rộn ràng nơi hội chính, bên bờ sông Bắc Sen đã ngân lên những tiếng Sli da diết. Trong trang phục truyền thống của dân tộc Nùng, các cô, các bác lớn tuổi chia thành những cặp đôi, ánh mắt da diết cất lên lời Sli ngọt ngào. Mỗi lời hát là một thông điệp, một câu chuyện chứa chan kỷ niệm. Tiếng Sli cất lên vang vọng nơi bờ sông, kết nối nỗi niềm, đối đáp của các đôi nam nữ…
Bên bờ sông Bắc Sen những tiếng Sli tha thiết cất lên. |
Gặp nhau với ánh mắt và nụ cười, ông Hoàng Xuân Thu và bà Mông Thị Tắm đối đáp bằng những câu Sli. Bà Tắm kể rằng, bà gặp ông Thu tại “chợ tình” từ khi mới 17, 18 tuổi. Qua tiếng Sli, hai người cảm mến nhau. Rồi hội năm sau, năm sau nữa, chàng trai xứ Lạng Hoàng Xuân Thu không quản đường sá xa xôi đến hội để tìm cô gái Mông Thị Tắm. Nhưng vì nhiều lý do mà hai người đành lỡ duyên. Theo thời gian, câu chuyện đã thành quá khứ. Những năm trở lại đây, ông bà tình cờ gặp nhau tại chợ tình khi đã bước sang tuổi 50. Họ mừng rỡ cất lên những câu Sli bằng tiếng Nùng, khi dịch nghĩa sẽ có nội dung đại ý như sau:
“Vừa hôm nay hai người ở chợ, gặp nhau trao đổi vài câu Sli được không?
Nếu bạn có thời gian cùng nhau tâm sự, thì mình trò chuyện cả ngày cũng được”
Giữa những tiếng Sli da diết, tôi gặp bà Nông Thị Thời (51 tuổi) đang lặng lẽ nhìn dòng người qua lại. “Người cũ” của bà vẫn chưa đến. Bà Thời cho biết, bà và “người cũ” quen nhau từ khi mới 13 tuổi, cảm mến nhau nhưng vì ngại ngùng nên mãi mới ngỏ lời. Nhưng “có duyên, không có phận”. Sau này, bà đi học, ông ở nhà một thời gian sau thì cưới vợ. Bà cũng có gia đình riêng, có con nên cũng không đi chợ tình nữa. Đến khi mái tóc đã bạc màu, hai người mới có được số điện thoại của nhau và hẹn gặp nhau ở chợ tình mỗi năm. Chồng bà cũng có “người cũ” và cũng hẹn nhau ở chợ tình. Vì vậy, vợ chồng bà cùng đi đến chợ nhưng tới nơi mỗi người sẽ đi một hướng. Cũng như câu Sli mỗi khi gặp gỡ:
“Em ơi, hôm nay về chơi mấy người, chồng em có về theo không?
Anh ơi, hôm nay em đến cùng chồng nhưng anh ấy đi phía khác rồi”.
Đứng bên bờ sông, đoàn khách đến từ huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) nổi bật trong bộ trang phục dân tộc Dao đỏ, thích thú lắng nghe tiếng Sli. Bà Lý Thị Cầu, 72 tuổi, thành viên trong đoàn cho biết, qua báo đài nói nhiều về chợ tình, nên bà theo đoàn đến xem để hiểu thêm về những cuộc gặp gỡ nhắc về “duyên xưa”. Cả đoàn rất bất ngờ khi thấy đồng bào dân tộc ở đây vẫn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống. “Chợ tình là một ngày hội lớn, có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Tôi nghe họ hát Sli hay lắm, giọng ai cũng ngọt ngào, tiếc là tôi không hiểu được lời”, bà Cầu cho hay.
Tiếng Sli ngân nga trên con đường đi. |
Nhấp ngụm chè xanh, ông Nông Văn Hồ, nghệ nhân hát Sli ở xã Xuân Dương tự hào nói: “Hát Sli không biết có từ khi nào, chỉ biết đã được truyền từ đời này qua đời khác. Người dân xã Xuân Dương từ lúc bắt đầu tập nói cho đến khi trở về với đất mẹ, đều có tiếng Sli tha thiết đi cùng năm tháng. Lời Sli là những câu chuyện, những giao bôi hò hẹn, làm quen. Sli như ông tơ bà nguyệt, buộc những hồn Sli lại với nhau mà nên duyên đôi lứa”. Tiếng Sli ở “Chợ tình Xuân Dương” cũng là cách nói chuyện của những người “lỡ duyên”. Những cuộc gặp gỡ ở đây thường sẽ kéo dài đến khi tan chợ, người gặp mặt có khi còn hát Sli khi đi đường hay trong quán nước… Tuy nhiên, theo ông Nông Văn Hồ, hiện nay số người biết hát Sli ngày càng ít. “Để tiếng Sli có thể bước cùng dòng chảy của thời gian, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ hát Sli xã Xuân Dương, huyện Na Rì, trong đó có các em học sinh lớp 2, lớp 3 tham gia”, ông Hồ cho hay.
Theo ông Lương Thanh Luyện, Trưởng phòng Văn hóa, Thể thao huyện Na Rì, điệu hát Sli là nét văn hóa đặc sắc của địa phương. Những năm qua, huyện Na Rì đã cố gắng bảo tồn, gìn giữ và phát huy, khuyến khích người dân biểu diễn các tiết mục văn nghệ, đầu tư tổ chức “Chợ tình Xuân Dương” với quy mô lớn, thành lập các Câu lạc bộ hát Sli…
Thế hệ măng non tiếp nối dòng chảy văn hóa của xã Xuân Dương (các em đang hát Sli tại Chợ Tình Xuân Dương 2023). |
Chợ đông, lòng người rộn rã, những câu Sli ngân nga như níu chân người ở lại. Mỗi năm chỉ có một lần, “Chợ tình Xuân Dương” và điệu Sli gọi mời người quen, khách lạ cùng đến trải nghiệm, chìm đắm trong “Hát Sli của người Nùng”-làn điệu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/viet-nam-da-sac-menh-mang-cau-sli-noi-cho-tinh-728515