“Có thể nói, tư duy mở trong khởi nghiệp Quảng Nam được định hình sớm nhất và thực hiện thành công vai trò kết nối mạng lưới vùng, quốc gia” – ông Phạm Hồng Quất, Cục Trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp, Bộ KH&CN nhận xét.
Định vị vùng đất mở
Quảng Nam khởi động chương trình khởi nghiệp vào năm 2017, chính thức vận hành hệ sinh thái khởi nghiệp vào năm 2018. Bước vào năm 2019, Quảng Nam công bố mô hình hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo theo chủ đề: “Quảng Nam – vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo” và năm 2020, được Bộ KH-CN chọn giao điều phối Mạng lưới khởi nghiệp vùng duyên hải miền Trung – Tây Nguyên. Khởi nghiệp Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng truyền thống canh tân, đổi mới của quê hương, nhất là tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói: “Các bạn trẻ, nhất là các bạn trẻ khởi nghiệp sáng tạo phải luôn đam mê, dấn thân tìm tòi, sáng tạo và mở rộng liên kết, học hỏi để không ngừng vươn lên, thực hiện khát vọng của mình. Tinh thần và giá trị truyền thống của quê hương là bệ đỡ rất có giá trị và có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ”.
Đồng quan điểm trên, ông Phạm Duy Hiếu – Giám đốc Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH-CN Việt Nam, thành viên Hội đồng cố vấn khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, cho biết: “Rất nhiều địa phương chọn cho mình một giá trị để định vị, truyền cảm hứng khởi nghiệp trong xã hội, như Đồng Tháp – “Đàn sếu khởi nghiệp”, Đà Nẵng – “Cánh chuồn bay lên”, Nghệ An – “Khát vọng sông Lam”…, nhưng slogan của Quảng Nam rất ấn tượng và sâu sắc. Cách định vị ấy có tầm nhìn chiến lược với một tư duy thoáng mở – điều mà bất cứ hệ sinh thái nào trên thế giới đều quan tâm tạo lập”.
Sau 3 năm xây dựng, cộng đồng khởi nghiệp Quảng Nam đã hình thành mạng lưới đông đảo, thường xuyên tương tác và hỗ trợ nhau, cả những chia sẻ thất bại – như là nguồn động viên trên con đường khởi nghiệp. Chấp nhận thất bại để bắt đầu cho sự thành công dần dần được cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo xứ Quảng nhận thức và dấn thân.
Chủ dự án khởi nghiệp “Gạo lứt Bh’noong – Mang hương rừng ra phố” (giải Nhì cấp quốc gia 2022) xúc động nói: “Khi chúng tôi cô đơn trong hành trình bỏ phố về quê và càng cô đơn hơn giữa núi rừng Hiệp Đức để nuôi dưỡng ước mơ “trả nợ quê hương” thì tôi bắt gặp mạng lưới khởi nghiệp xứ Quảng thông qua kết nối của người chị, tôi đã thốt lên: Chưa có nơi mô khởi nghiệp sướng như Quảng Nam. Mạng lưới đã tương tác, kết nối để tôi có ngày hôm nay. Và tôi ý thức được mình cần phải làm gì để mang giá trị mạng lưới đến các bạn khởi nghiệp tiếp theo nhiều hơn, để khởi nghiệp xứ Quảng bền vững và lan tỏa mạnh mẽ”.
Huy động nguồn lực dồi dào
So với các địa phương, các yếu tố cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp Quảng Nam thiếu và yếu. Bản thân các yếu tố chưa có sự liên kết và bỗ trợ cho nhau. Từ thực tế đó, Quảng Nam quan tâm, tập trung xây dựng và phát triển chương trình phối hợp hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương với 3 chương trình cấp tỉnh, 13 chương trình cấp ngành và nhiều liên kết thông qua các hoạt động riêng, trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về chương trình hợp tác.
Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH-CN (Bộ KHCN) đánh giá: “Quảng Nam xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp rất đặc trưng và đặc biệt, biết huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ khởi nghiệp. Có thể nói, tư duy mở trong khởi nghiệp Quảng Nam được định hình sớm nhất và thực hiện thành công vai trò kết nối mạng lưới vùng, quốc gia. Là địa phương rất có trách nhiệm tham gia chuỗi hoạt động thường niên trong khuôn khổ TechFest quốc gia”.
Hầu hết tổ chức, chuyên gia, cố vấn khởi nghiệp hàng đầu quốc gia đã hội tụ về Quảng Nam để tổ chức hoặc tham gia các diễn đàn, hội thảo, đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cấp quốc gia, vùng, tiêu biểu như Diễn đàn khởi nghiệp quốc gia thời cách mạng 4.0; Khởi nghiệp nông nghiệp bền vững; Khởi nghiệp du lịch không rác thải; Chuyến xe hành trình khởi nghiệp thanh niên Việt Nam…
Các Sở KH-ĐT, GD-ĐT, LĐ-TB&XH, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp tổ chức đào tạo kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, hội viên, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên và cộng đồng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam trở thành địa phương dẫn đầu tổ chức nhiều ngày hội, diễn đàn, hội thảo, sự kiện… về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đồng thời với huy động nguồn lực về trí tuệ, con người, Quảng Nam còn chỉ đạo thực hiện xã hội hóa đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất và hoạt động truyền thông để tổ chức ngày hội khởi nghiệp sáng tạo hàng năm cấp tỉnh, cấp huyện và các sự kiện khởi nghiệp lớn trên địa bàn.
Đề cao và phát huy vai trò, sứ mệnh của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong đồng hành hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành công bố thành lập Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp 50 tỷ đồng. Cộng đồng doanh nhân cũng tham gia đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp cấp huyện tại Bắc Trà My, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hiệp Đức, Tam Kỳ….
Trong đợt dịch khó khăn các năm qua, Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp của Công ty CP Tập đoàn VN Đà Thành đã dành 3 tỷ đồng cho vay lãi suất 0 đồng gần 20 dự án; Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phan Ngọc Anh đóng góp Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp huyện Duy Xuyên 1,1 tỷ đồng…
Tổng kinh phí ước tính từ xã hội hóa tham gia tổ chức và hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh gần 10 tỷ đồng. Đặc biệt, nhiều tổ chức, cá nhân bằng tâm huyết, trí tuệ và công sức đã có nhiều đóng góp quan trọng trong vai trò cố vấn, tư vấn và tổ chức hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp Quảng Nam.
Ấn tượng với hệ sinh thái khởi nghiệp mở Quảng Nam, ông Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, hiệp hội đang mở rộng vai trò kết nối khởi nghiệp quốc gia theo mô hình của Quảng Nam, và đang lập kế hoạch mời Quảng Nam xây dựng, phát triển hệ thống hiệp hội tại miền Trung – Tây Nguyên.