(HBĐT) – Khẳng định nhất quán quan điểm của tỉnh là xây dựng bộ máy “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) để cùng phát triển”, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Cấp ủy, chính quyền phải đồng hành chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN. Cán bộ, công chức phải thay đổi tư duy, đặt mình vào những khó khăn của DN và phải có trách nhiệm trước công việc hỗ trợ DN phát triển. Thường trực Tỉnh ủy sẽ thường xuyên lắng nghe, ghi nhận những ý kiến của DN, từ đó có những chỉ đạo cụ thể, kịp thời hỗ trợ DN để các DN, nhà đầu tư cùng đồng hành với tỉnh phát triển bền vững.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và đoàn công tác kiểm tra tiến độ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bình Phú, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình).
Doanh nghiệp – lực lượng chủ công phát triển kinh tế, xã hội
Trên địa bàn tỉnh có 4.296 DN. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh có 3.298 DN đang hoạt động, chiếm khoảng 76,7%; có 998 DN đang gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ, chờ giải thể. Các DN đã góp phần tích cực tạo việc làm ổn định cho người lao động. Doanh thu của DN đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định KT-XH. Hàng năm, các DN nộp NSNN ước đạt trên 2.300 tỷ đồng, chiếm 47% tổng thu NSNN toàn tỉnh. Giải quyết việc làm cho khoảng 82 nghìn lao động, thu nhập bình quân khoảng 5 – 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2022, số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng 9% so với năm 2021, số lượng DN quay trở lại thị trường tăng 66%. Toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 35.000 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn có 729 dự án đang hoạt động, trong đó có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký 608 triệu USD và 692 dự án trong nước, vốn đăng ký 195.877 tỷ đồng. Đã có một số DN, nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, đô thị sinh thái, nhà ở là những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình đường nối quốc lộ 6 với xã Suối Hoa (Tân Lạc).
Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng DN, đặc biệt đã chỉ đạo các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 02/2022 của Chính phủ. Theo đó thực hiện 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính, gắn với việc giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, phụ trách các chỉ số thành phần PCI. Bên cạnh đó, tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách về phát triển DN, thu hút đầu tư; thực hiện hỗ trợ thuế, tiền tệ, tín dụng cho DN; triển khai đồng hành cùng DN trong hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; tích cực chăm lo đời sống người lao động… Năm 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2021 cho thấy sự cải thiện chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh, song vẫn còn nhiều khó khăn.
Doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của các DN còn gặp nhiều khó khăn về thực hiện các thủ tục hành chính, môi trường đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện nhiều. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN gặp nhiều khó khăn. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết các thủ tục hành chính chưa thực chất; việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho DN chưa được kịp thời. Công tác hỗ trợ DN, nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, giải phóng mặt bằng (GPMB) còn chậm. Hầu hết DN có quy mô vừa, nhỏ, siêu nhỏ, năng lực quản trị hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm còn thấp…
Theo tổng hợp của Hiệp hội DN và các Hội DN, hiện các DN gặp phải những khó khăn liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, vật liệu đất san lấp, đắp nền; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đầu tư dự án nhà ở; công tác quy hoạch; các vấn đề liên quan đến GPMB; công tác thẩm định, xác định giá đất; thủ tục giao đất, cho thuê đất; vướng mắc tại Văn phòng đăng ký đất đai các cấp; vấn đề về quy định cấp chủ trương đầu tư; cấp chủ trương đầu tư vào khu công nghiệp và cụm công nghiệp; về thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra… Các DN cho rằng, việc thông báo giá vật liệu xây dựng theo quý không phản ánh thực tế giá tại thời điểm khi thị trường có sự biến động. Nhiều loại vật liệu trong thông báo không áp dụng giá tại thời điểm mà lấy báo giá từ những tháng đầu năm 2022. Nhiều đơn vị khai thác đá đã được UBND tỉnh tạm dừng khai thác nhưng vẫn có trong thông báo giá. Nhiều loại vật liệu thông báo thấp hơn so với thực tế trên thị trường từ 1- 1,5 lần. Như tại một số cơ sở sản xuất đá ở Lương Sơn, giá đá Base thực tế tại thời điểm công bố từ 120.000 – 180.000 đồng/m3, trong thông báo có giá từ 68.000 đồng/m3; giá cát đen, cát vàng tại TP Hoà Bình (giá cát vàng thực tế từ 550.000 – 650.000 đồng/m3, trong thông báo là 350.000 đồng/m3).
Công tác GPMB, vật liệu san lấp, đắp nền… đang là vấn đề ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Nhiều dự án, công trình phải dừng thi công do không có nguồn đất san lấp. Nhiều dự án trọng điểm của tỉnh được khởi công nhưng công tác GPMB rất chậm như: đường liên kết vùng Kim Bôi – Hoà Bình, đường kết nối đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ với quốc lộ 6…. Chủ đầu tư thoả thuận GPMB gặp rất nhiều khó khăn, như các dự án tại Khu du lịch hồ Hoà Bình và một số địa phương khác. Một số thủ tục đơn giản nhưng quy định thời gian kéo dài. Thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp vào cụm công nghiệp rất chậm, trung bình phải thực hiện từ 2 – 3 tháng. Trong khi đối với khu công nghiệp, cùng thủ tục pháp lý như nhau, chỉ mất 25 ngày nhà đầu tư thứ cấp được cấp giấy chứng nhận đầu tư… Ngoài ra, DN đứng trước những vấn đề công tác quy hoạch, thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất lúa, các thủ tục về đất đai, thủ tục về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy; công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp cận nguồn vốn tín dụng… là những nút thắt để DN có thể phát triển.
Tạo chuyển biến rõ nét hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư
“Cải thiện môi trường kinh doanh, đồng hành hỗ trợ thiết thực, cụ thể cho các DN, nhà đầu tư là nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài của cả hệ thống chính trị”, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định. UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn theo quy hoạch. Trong đó tỉnh thực hiện một số giải pháp trọng tâm là: Hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, lấy đó làm định hướng phát triển và quản lý quy hoạch; huy động các nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như du lịch, đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến, chế tạo điện tử, năng lượng sạch… Hoàn thiện các tiêu chí quy hoạch Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình để sớm đạt tiêu chí khu du lịch quốc gia. Ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng KT-XH, nhất hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, phối hợp triển khai tuyến cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu (Sơn La); mở rộng đường cao tốc Hòa Lạc – TP Hòa Bình nhằm nâng cao năng lực, tăng cường kết nối Hòa Bình với các vùng trọng điểm kinh tế. Chỉ đạo đẩy nhanh các tuyến đường trọng điểm như: đường liên kết vùng; đường nối đường Trần Hưng Đạo với phường Dân Chủ, TP Hòa Bình; đường nối thị trấn Lương Sơn với Xuân Mai; các dự án KCN trọng điểm Nhuận Trạch, Yên Quang, Bình Phú; các dự án đô thị sinh thái tại 2 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn… góp phần tạo sự bứt phá thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo triển khai nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho DN và người dân trong giải quyết các công việc. Tập trung cải thiện các chỉ số PCI có thứ hạng thấp, như chi phí thời gian, tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức; tiếp tục thực hiện Bộ chỉ số DDCI để đánh giá năng lực của chính quyền cấp huyện và các sở, ngành trên góc độ điều hành, tạo thuận lợi cho DN hoạt động tại địa phương. Giải quyết khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho DN với tinh thần DN phải được hỗ trợ tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh.
Thực hiện nghiêm các giải pháp tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, gắn với thực hiện văn hóa công sở, không lạm dụng việc xin ý kiến các cơ quan cấp trên nhằm né tránh trách nhiệm; không chuyển công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác; không giải quyết những công việc không liên quan đến lĩnh vực, chức năng, nhiệm vụ do mình quản lý; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là đối với các lĩnh vực nhạy cảm như: đầu tư, quy hoạch, xây dựng, địa chính, đất đai, tài nguyên môi trường, khoáng sản, tài chính, ngân sách, tổ chức cán bộ… và những công việc liên quan trực tiếp đến người dân, DN. Rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, kiên quyết xử lý thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác những cán bộ, công chức, viên chức năng lực yếu kém, gây khó khăn, phiền hà, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án, hỗ trợ nhà đầu tư thu hồi đất, GPMB; rà soát, thu hồi các dự án không triển khai hoặc chậm triển khai, có dấu hiệu giữ đất, chờ cơ hội chuyển nhượng, dự án vi phạm pháp luật về đầu tư.
Lê Chung