Bài 1: Thiếu hụt nguồn cung vắc xin cho trẻ
Đã gần 5 tháng nay, hầu như trẻ em trên địa bàn tỉnh Cà Mau không thể tiếp cận được vắc xin 5 trong 1. Đây là 1 trong 8 loại vắc xin trong chương trình TCMR được Bộ Y tế cung cấp những năm qua, cũng là vắc xin quan trọng nhất, nhằm góp phần đem lại miễn dịch cộng đồng cho trẻ. Bên cạnh đó, một số loại vắc xin khác cũng đang thiếu hụt khiến công tác tiêm chủng của tỉnh khó đạt chỉ tiêu đề ra, hơn hết là nhiều lo ngại khi trẻ không được tiêm chủng kịp thời, đúng lứa tuổi.
Trạm Y tế xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển thiếu vắc xin 5 trong 1, tỷ lệ tiêm đạt thấp.
Bác sĩ CK1 Nguyễn Văn Đọc, Trưởng Khoa xét nghiệm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Cà Mau cho biết: “Thực hiện chương trình TCMR 4 tháng đầu năm, tình hình cung ứng vắc xin chưa đầy đủ. Đến thời điểm này, Cà Mau đang thiếu vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uống ván ) và 5 trong 1 (SII). Trong đó, thiếu vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan, Hib) từ đầu năm 2023 đến nay”.
Chật vật đi lại nhiều lần tiêm vắc xin cho trẻ
Nằm ở khu vực vùng sâu vùng xa của huyện Năm Căn, người dân trên địa bàn xã Tam Giang Đông đi lại vô cùng khó khăn. Thế mà, hàng tháng những hộ dân có con nhỏ phải lặn lội quãng đường xa để đến tiêm chủng cho trẻ…rồi thất vọng đi về vì không có vắc xin tiêm cho con trong độ tuổi.
Bác sĩ Trương Vũ Phong, Trưởng Trạm y tế xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn bộc bạch: “Tình hình thiếu vắc xin tiêm chủng cục bộ từ hồi dịch Covid-19 và kéo dài đến bây giờ. Thiếu nhiều loại như: DPT, Sởi đơn, OPV (uốn ván bại liệt), nên kết quả tiêm chủng không đạt, do nguồn vắc xin không có. Hiện tại, 4 tháng liên tục vắc xin 5 trong 1 không có. Mặc dù, trạm cố định lịch tiêm (ngày 4, 5 và 14 hàng tháng) và thông báo các ấp, nhưng do vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại 90% bằng đường thủy, chỉ khoảng 10% đi bằng đường bộ. Bên cạnh đó, tại những khu vực này sóng điện thoại yếu, nên khó liên hệ, có khi bà con đi ra vất vả để tiêm cho con cháu, mà không tiêm được!”.
Người dân đưa trẻ đến tiêm vắc xin tại xã Trạm Y tế Khánh Hội, huyện U Minh.
Được biết, tổng số trẻ quản lý trong độ tuổi tiêm chủng trong chương trình TCMR (1-3 tuổi) của xã Tam Giang Đông khoảng trên 300 trẻ, tính luôn các mũi nhắc lại (đến 5 tuổi) khoảng hơn 500 trẻ. Về chuyên môn, đối với mũi 5 trong 1 này sẽ tiêm vào tháng 2, 3, 4 sẽ tạo được hệ miễn dịch rất tốt. Và phải đảm bảo cho trẻ tiêm trong vòng 12 tháng đầu tiên đối với mũi này. Tuy nhiên, trên địa bàn hiện có khoảng trên 20 trẻ đã qua thời điểm 4 tháng để tiêm vắc xin này.
Cũng thuộc vùng khó khăn trên địa bàn huyện Ngọc Hiển, Trạm Y tế xã Tân Ân cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Theo Bác sĩ Mai Xuân Tuyển, Trưởng Trạm Y tế xã Tân Ân, cho biết: Vắc xin 5 trong 1 từ đầu năm đến nay không có, cứ hẹn tháng này qua tháng khác rất phiền cho dân, trong khi ngay lứa tuổi cần tiêm mà cứ hẹn lại, rất khó giải thích, chỉ có thể nói nguồn vắc xin ở trên không có nên ở trạm không tiêm được. Theo đó, số lượng người dân đưa trẻ đến tiêm mấy tháng đầu năm cũng thấp dần, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ. Kéo theo tiêm các vắc xin khác chỉ đạt từ 20-30%, mặc dù những mũi kia đều có vắc xin.
Mới có đứa con đầu lòng, nhưng đến nay trẻ đã 6 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm mũi 5 trong 1. Anh Lâm Bạch Đằng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển bày tỏ lo lắng: “Tháng nào tôi cũng điện thoại để hỏi Trạm Y tế xã xem có vắc xin chưa để đưa trẻ đến tiêm nhưng đến nay chờ đợi hoài vẫn chưa thấy. Làm cha làm mẹ ai cũng lo lắng, không chỉ riêng mình, bởi tình hình dịch bệnh giờ phức tạp, nếu tiêm được tạo miễn dịch cho trẻ cũng yên tâm hơn”.
Hàng ngàn trẻ chưa được miễn dịch đầy đủ
Thực tế ghi nhận kết quả TCMR từ Trung tâm CDC tỉnh Cà Mau cũng cho thấy, toàn tỉnh 4 tháng đầu năm, số trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 tiêm chỉ có 907 trẻ, đạt 5,4% (so với cùng kỳ đã tiêm 4.700 trẻ). Trong khi chỉ tiêu cả năm Cà Mau phải tiêm khoảng 16.700 trẻ. Theo đó, tỷ lệ mỗi tháng trung bình phải tiêm khoảng 1.300 trẻ. Như vậy, với kết quả tiêm chủng này ước tính 4 tháng đầu năm có khoảng trên 4.000 trẻ tới thời điểm cần tiêm vắc xin 5 trong 1 nhưng chưa có vắc xin để tiêm.
Theo thống kê của Trung tâm CDC tỉnh, 4 tháng đầu năm ước tính có khoảng trên 4.000 trẻ tới thời điểm cần tiêm vắc xin 5 trong 1 nhưng chưa được tiếp cận vắc xin 5 trong 1.
Trong khi đó, theo đánh giá của các bác sĩ chuyên môn, vắc xin 5 trong 1 là vắc xin “chủ công”, quan trọng nhất (tiêm 3 mũi/đối tượng). Đây là vắc xin phòng 5 loại bệnh cho đối tượng dưới 1 tuổi, nếu thiếu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ miễn dịch của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Văn Đọc phân tích: Vắc xin vốn có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh kháng thể, bảo vệ sức khỏe, hạn chế sự tấn công của virus, vi khuẩn có hại đối với sức khỏe. Riêng vắc xin 5 trong 1 phòng chống 5 loại bệnh truyền nhiễm như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan và hib. Đây là những căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, nếu được tiêm phòng sớm, nguy cơ trẻ nhiễm bệnh sẽ giảm đáng kể. Bởi vì thuốc đặc trị cho những căn bệnh kể trên vẫn chưa được nghiên cứu thành công. Nếu không may nhiễm bệnh, sức khỏe của bé sẽ suy giảm nghiêm trọng. Thậm chí, bé phải đối mặt với các biến chứng nặng, tính mạng bị đe dọa.
Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh hiện nay đang diễn biến phức tạp, về chuyên môn, vắc xin phải tiêm theo đúng thời gian, lứa tuổi của trẻ mới đáp ứng tốt vấn đề tạo hệ miễn dịch cho trẻ. Nếu gián đoạn ít nhiều ảnh hưởng đến trẻ.
Việc tiêm ngừa vắc xin 5 trong 1 sẽ giúp trẻ miễn dịch với 5 loại bệnh (Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan, hib) và tiêm tốt nhất trong 4 tháng đầu sau sinh và phải đảm bảo tiêm trong vòng 12 tháng. Nếu trong thời điểm này, trẻ không được tiếp cận vắc xin kịp thời, nguy cơ mắc bệnh ở trẻ sẽ cao.
“Thật ra, thời điểm năm 2022 đã có thiếu vắc xin cục bộ, có khi thiếu 3-4 tháng liền, nên tỷ lệ tiêm chủng năm 2022 chỉ đạt trên 50%. Riêng đối với vắc xin 5 trong 1, ngành y tế cũng đã chỉ đạo giải thích cho người dân là tạm thời chưa có nguồn vắc xin. Đồng thời, chỉ đạo lập danh sách ghi nhận, khi nào có vắc xin thì thông báo người dân đến tiêm. Trường hợp người dân nóng lòng, có điều kiện để tạo miễn dịch sớm cho con thì tới cơ sở dịch vụ để tiêm” – Bác sĩ Đọc chia sẻ thêm.
Trong số trên 4.000 trẻ chưa tiếp cận vắc xin 5 trong 1 có thể có những trẻ đã được tiêm dịch vụ, ngành y tế chưa thống kế được. Song, số lượng này dự báo không nhiều do chi phí đắc đỏ và người dân sẽ khó đảm bảo đủ điều kiện để tiếp cận.
Trong những năm qua, Bộ Y tế cung cấp 8 loại vắc xin TCMR cho trẻ gồm: Vắc xin Viêm gan B; vắc xin lao, 3; vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan, Hib); vắc xin bại liệt (OPV); vắc xin IPV (bại liệt tiêm); vắc xin sởi; vắc xin viêm não Nhật Bản B; vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván); vắc xin sởi-Rubella. Ngoài ra, vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai, vắc xin Td (uốn ván- bạch hầu giảm liều) thực hiện chiến dịch.
Kết quả thống kê trong chương trình TCMR của tỉnh 4 tháng đầu năm có 14 chỉ tiêu. Trong đó, có 6/14 tỷ lệ tiêm chủng không đạt và giảm so với cùng kỳ như: vắc xin 5 trong 1 (5,4%); vắc xin bại liệt mũi 3 (22,9%) tỷ lệ bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh (28,7%); sởi rubella (29,2%); viêm não Nhật Bản mũi 2 (21,9%); viêm não Nhật Bản mũi 3 (18,6%).
Bài và ảnh: Hồng Nhung
Bài 2: Phương án mua vắc xin gặp khó khăn