Theo trang mạng Defense News, giới chức quốc phòng Mỹ xác định vũ khí siêu thanh-vốn có vận tốc tối thiểu là Mach 5 (gấp 5 lần vận tốc âm thanh)-là “yếu tố làm thay đổi cuộc chơi” trong các cuộc xung đột trong tương lai. Tạp chí National Defense Magazine dẫn một báo cáo mới được Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Mỹ (NDIA) công bố cho biết giới chức cấp cao của Lầu Năm Góc xác định Washington cần hàng trăm vũ khí siêu thanh “trong một khoảng thời gian ngắn” và con số thậm chí có thể là “hàng nghìn hoặc hàng chục nghìn”.
Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, Hạ nghị sĩ Doug Lamborn thuộc Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ cũng khẳng định việc Washington phát triển các năng lực siêu thanh là “không có gì phải bàn cãi”.
Lầu Năm Góc công khai rằng họ có 10 chương trình vũ khí siêu thanh đang ở giai đoạn nghiên cứu, phát triển. Sớm nhất là trong năm nay, chương trình đầu tiên trong số này có thể chuyển sang giai đoạn sản xuất. Theo Defense News, NDIA khẳng định việc chuyển tiếp từ giai đoạn phát triển, thử nghiệm công nghệ siêu thanh sang giai đoạn sản xuất vũ khí với số lượng lớn sẽ đòi hỏi “sự tập trung ngân sách và nỗ lực” từ Lầu Năm Góc đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Mỹ.
Thông thường, chỉ riêng việc chuyển tiếp nói trên đã là một thách thức. Lãnh đạo các tập đoàn quốc phòng và giới chuyên gia Mỹ nhận định vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi Washington nỗ lực lấp đầy kho vũ khí của mình song song với việc tiếp tục gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine. “Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình vũ khí siêu thanh, Bộ Quốc phòng Mỹ vẫn cần lấp đầy kho vũ khí. Đây có thể là một chuyện tốt đối với ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ nhưng chắc chắn cũng là một thách thức”, Defense News dẫn lời ông Jason Fischer, một đại diện cấp cao của Tập đoàn Northrop Grumman.
Ông Fischer cho biết các tập đoàn quốc phòng Mỹ đang nhận được những đề nghị “ngày càng thường xuyên hơn” từ Lầu Năm Góc về việc sản xuất các loại tên lửa thông thường “trong những khung thời gian ngắn hơn”. Đây là tình huống khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ “khó xoay xở nhất” vì thường đòi hỏi phải bổ sung thêm các khoản đầu tư cho cơ sở vật chất và trang thiết bị.
Trong khi đó, theo ông Marty Hunt, một quan chức cấp cao của Tập đoàn Dynetics, nhu cầu lấp đầy kho vũ khí của Washington “gây khó khăn hơn” cho việc tiếp cận các nguồn nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất vũ khí siêu thanh. Cùng với đó là việc phải “chuyển bớt lực lượng lao động trình độ cao trong lĩnh vực siêu thanh sang các dây chuyền sản xuất đang có nhu cầu cao”. “Điều này có tác động tiêu cực, có thể làm chậm trễ các chương trình vũ khí siêu thanh đang được triển khai”, Defense News dẫn lời ông Hunt.
Theo tờ The Washington Post, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nhận định tốc độ sản xuất hiện tại của các tập đoàn quốc phòng Mỹ “có thể không đủ để ngăn chặn sự cạn kiệt” các hệ thống vũ khí chính mà Washington đang cung cấp cho Kiev. Thậm chí nếu có đẩy nhanh tốc độ sản xuất thì Mỹ có thể cũng mất ít nhất 5 năm để “khôi phục kho tên lửa chống tăng Javelin, tên lửa đất đối không Stinger và những loại vũ khí cần thiết khác”.
Trong một nghiên cứu khác, CSIS ước tính với tốc độ sản xuất thời bình của ngành công nghiệp quốc phòng trong nước thì Mỹ sẽ mất tới 15 năm và con số này sẽ là hơn 8 năm với tốc độ sản xuất thời chiến để bổ sung các hệ thống vũ khí quan trọng như tên lửa dẫn đường, máy bay có người lái và máy bay không người lái có vũ trang trong trường hợp chúng bị phá hủy trong giao tranh hay được viện trợ cho các quốc gia đồng minh.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực vũ khí siêu thanh, Hạ nghị sĩ Lamborn cũng đã chỉ ra rằng, mặc dù Mỹ đi trước nhưng lại về sau các đối thủ. Theo CNN, trên thế giới hiện chỉ có Nga và Trung Quốc được biết đến là hai quốc gia đang sở hữu các loại vũ khí siêu thanh “có thể được triển khai”.
HOÀNG VŨ