Thống kê cho thấy mỗi năm Việt Nam có 250.000 người phẫu thuật thẩm mỹ, trong đó có đến 25.000 – 30.000 ca biến chứng. PGS-TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng Khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương (TP HCM), cho biết biến chứng trong thẩm mỹ không chỉ đe dọa đến tính mạng mà còn gây mất thẩm mỹ lâu dài, ảnh hưởng đến chức năng của cơ thể.
Mất mũi, cằm, thậm chí mù mắt
BS Khanh chỉ ra nguyên nhân dẫn đến số lượng người gặp biến chứng thẩm mỹ ngày càng nhiều do “ai cũng có thể làm bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ”. Các bác sĩ “dỏm” quảng cáo trên nhiều phương tiện bất chấp việc có chuyên môn hay không. “Họ quảng cáo nhiều nhất là trên mạng xã hội, ở đó người dân chưa thể đánh giá chính xác chất lượng tay nghề của bác sĩ, nghe nói hay nên đi làm thử. Cũng có cơ sở thẩm mỹ không uy tín mời người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trên không gian mạng về quảng cáo, giới trẻ tin lời thần tượng mà không cần biết bác sĩ đó có chuyên môn hay không và lao vào làm đẹp” – BS Khanh nêu thực trạng.
Đơn cử như ca biến chứng thẩm mỹ nghe theo lời quảng cáo hấp dẫn của bác sĩ trên TikTok, nữ bệnh nhân đã phải trả giá đắt. BS Khanh kể nữ bệnh nhân này tiêm chất làm đầy vùng mũi ở một cơ sở không được cấp phép hoạt động khiến mũi bị hư. Nữ bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương điều trị vài tháng, khi được xuất viện, cô gái lập tức đến một cơ sở thẩm mỹ khác để cấy chỉ nâng mũi, cơ sở này cũng hoạt động không phép. “Trong khi đó, bệnh viện đã khuyến cáo bệnh nhân về nghỉ ngơi, chăm sóc vết thương vài tháng sau tái khám để bác sĩ đánh giá có được làm thẩm mỹ nữa hay không” – BS Khanh ngao ngán.
PGS-TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh phẫu thuật cho một ca biến chứng thẩm mỹ. (Ảnh do bác sĩ cung cấp)
Theo BS Khanh, tại cơ sở thẩm mỹ không phép thứ 2, nữ bệnh nhân được cấy vào mũi 60 cọng chỉ. Sau khi cấy xong, mũi bệnh nhân có dấu hiệu sưng nhiều, nhiễm trùng, buộc phải vào Bệnh viện Trưng Vương mổ lại lần nữa, dự kiến phải điều trị rất lâu.
“Lý do khiến nhiều người gặp biến chứng thẩm mỹ là họ quá tin vào quảng cáo trên mạng, không tìm hiểu về cơ sở đó trước khi làm hoặc không đủ kiến thức để thẩm định nơi đó có chuyên môn hay không, chỉ nghe quảng cáo hoặc người quen giới thiệu là đến làm” – BS Khanh chỉ ra.
Một trường hợp khác, bệnh nhân mời người “tiêm dạo” về nhà để tiêm botox (chất làm liệt cơ) để hạn chế nếp nhăn. Thay vì tiêm botox, người này lại tiêm nhầm ancol vào vùng mắt, gây phản ứng viêm, khi bệnh nhân đến bệnh viện điều trị phải mổ để nạo mô viêm. “Có trường hợp tiêm vào mắt, khi bị viêm không đến bệnh viện thăm khám sớm dẫn đến mù lòa. Độn cằm cũng tương tự, khi bị hoại tử thì chỉ điều trị bảo tồn chỗ bị xì nhưng hậu quả của nó sẽ còn dai dẳng, vài ba tháng lại xì chỗ khác” – BS Khanh nói.
BS Khanh cho biết ngoài những biến chứng do các phương pháp thẩm mỹ thường gặp, thời gian qua còn có những trường hợp biến chứng do tiêm chất tan mỡ. Ông nhấn mạnh ở Việt Nam không cơ sở thẩm mỹ nào được phép tiêm chất tan mỡ vào người. Khi tiêm tan mỡ rất dễ bị biến chứng, rõ ràng nhất là hoại tử chỗ tiêm, để điều trị rất khó và mất thời gian, không thể dứt điểm. Tại Bệnh viện Trưng Vương có ca bệnh đã điều trị 2 năm vẫn chưa lành.
Mất uy tín ngành thẩm mỹ
Có một thai phụ đang điều trị hoại tử mông tại Bệnh viện Trưng Vương sau lần tiêm chất làm đầy ở một cơ sở không uy tín. Quá trình điều trị của bệnh nhân đã kéo dài gần 2 năm và nhiều lần nhập viện.
Tiêm chất làm đầy cũng là một chỉ định được phép nhưng phải được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn phẫu thuật thẩm mỹ. Khi đưa một lượng lớn chất làm đầy vào cơ thể mà không bảo đảm được kỹ thuật tiêm, kỹ thuật vô trùng sẽ gây nhiễm trùng. Nữ bệnh nhân bị hoại tử mông đã phải cắt bỏ một phần mông, điều trị bảo tồn nhưng chưa chắc thời gian tới sẽ không bị hoại tử tiếp. Vì bệnh nhân đang có thai nên không thể can thiệp quá nhiều, phải dùng những phương pháp điều trị ít ảnh hưởng đến thai nhi nhất có thể.
“Thời gian đầu phải cắt bỏ một phần mông, bệnh nhân đã suy sụp tinh thần, không dám ra khỏi phòng và có ý định tự tử. Chúng tôi vừa điều trị bằng thuốc vừa phải làm liệu pháp tinh thần cho bệnh nhân, động viên cô ấy không suy nghĩ tiêu cực, khuyên người nhà đồng hành với bệnh nhân vượt qua giai đoạn khó khăn. Đây không phải là trường hợp hiếm muốn tự tử khi gặp biến chứng phẫu thuật thẩm mỹ” – BS Khanh nói.
PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Khoa Tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho rằng khi lựa chọn cơ sở thẩm mỹ không uy tín, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nạn nhân. Những phòng khám, bệnh viện thẩm mỹ có giấy phép hành nghề đều có thông tin trên website của Sở Y tế TP HCM. Nhiều trường hợp người dân vào các trung tâm thẩm mỹ nghe tư vấn bởi nhân viên tư vấn không có chuyên môn, đến lúc mổ thì không biết ai mổ. Sau khi có biến chứng hoặc không đẹp như quảng cáo thì không biết “níu áo” ai.
“Đa số người dân rất hời hợt trong việc tìm hiểu chất lượng cơ sở thẩm mỹ, khi thực hiện dịch vụ tiêm chất làm đầy, họ không biết cơ sở đó tiêm chất gì, nguồn gốc chất đó ở đâu. Hầu hết dịch vụ tiêm chất làm đầy ở các tiệm spa, trung tâm thẩm mỹ gần như không có giấy phép hành nghề” – BS Hùng nhận định.
Theo BS Hùng, công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ cần sát sao hơn, không để tình trạng làm đẹp không an toàn, không giấy phép xảy ra. Cụ thể, trước khi Sở Y tế TP HCM xử lý thì UBND phường, xã phải có trách nhiệm kiểm tra, rà soát những cơ sở không có giấy phép trên địa bàn mình quản lý, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
BS Phạm Trịnh Quốc Khanh nêu thực trạng những ràng buộc pháp lý để những người không có chứng chỉ hành nghề, không được phép hành nghề mà thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ đang không thực sự nghiêm. Một cơ sở làm đẹp gây tai biến, họ có thể đóng cửa nơi này và mở ở một địa chỉ khác.
“Những người này làm ảnh hưởng xấu đến ngành thẩm mỹ nói chung, người dân sẽ không phân biệt được thật – giả. Từ đó ngành thẩm mỹ mất uy tín, người dân dần không tin tưởng vào tay nghề của bác sĩ, cơ sở thẩm mỹ hợp pháp” – BS Khanh lo ngại.
Vấn nạn cho thuê bằng
Giống như phòng khám, cơ sở kinh doanh dược, cơ sở thẩm mỹ cũng tràn lan người cho thuê và người mướn bằng. PGS-TS-BS Phạm Trịnh Quốc Khanh cho rằng đây là vấn đề nhức nhối cần được giải quyết. Người đứng tên trên giấy phép là người khác, còn người thực hiện thủ thuật lại là người khác, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng.