Theo TS. BS Trần Phạm Chí, Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Trung ương Huế hiện các trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu nằm ở nhiều chuyên khoa, nặng nhất nằm ở khoa Cấp cứu hồi sức (phần lớn là những bệnh nhân hôn mê).
Thường người uống rượu bia số lượng nhiều sẽ có dấu hiệu đau vùng thượng vị dữ dội, thậm chí nôn ra máu. Khi nội soi, toàn bộ niêm mạc dạ dày bị đỏ như những cánh hoa hồng, mức độ nặng nề thậm chí xuất huyết.
Vẫn có trường hợp tổn thương gan dẫn tới suy gan cấp nặng. Bệnh nhân lúc này có dấu hiệu mệt mỏi, vàng da, nước tiểu sẫm màu…
Khi vào viện kiểm tra thấy gan lớn, có dịch ổ bụng, có xuất huyết ở dưới da, da vàng tăng dần lên. Xét nghiệm cho kết quả men gan tăng cao, các rối loạn đông máu nặng nề. Sau điều trị, phần lớn sức khỏe bệnh nhân cải thiện. Tuy nhiên, một số ít ca không hồi phục, thậm chí tử vong.
Bác sĩ Trần Phạm Chí cho biết, rượu bia tác động lên rất nhiều cơ quan trong cơ thể, hầu như cơ quan nào cũng bị ảnh hưởng như thần kinh, não bộ, gan, tim mạch, thận… Riêng về chuyên khoa tiêu hoá nổi bật nhất là viêm gan và xơ gan.
Ngoài ra còn có những bệnh lý về viêm dạ dày, loét dạ dày, rách thực quản dạ dày do bia rượu (ngộ độc cấp). Nặng nề nhất và lâu dài nhất là tổn thương gây viên gan, suy gan và xơ gan do rượu, tạo ra gánh nặng y tế cho bệnh nhân, gia đình và xã hội.
Chuyên gia này khuyên, uống thuốc tây không nên sử dụng rượu bia, bởi nó làm hạn chế hiệu quả điều trị và tăng tác dụng phụ của thuốc.
Ví dụ dùng thuốc hướng thần nhưng uống rượu vào khiến bệnh nhân có thể hôn mê hoặc không có tác dụng trong điều trị rối loạn tâm thần.
Bệnh nhân viêm khớp, viêm đa khớp dùng thuốc giảm đau nếu uống rượu sẽ làm tăng độc tính của thuốc lên gan, lên niêm mạc dạ dày dẫn tới loét dạ dày, chảy máu dạ dày… Uống Paracetamol mà không kiêng rượu sẽ làm tăng độc tính Paracetamol, dẫn tới suy gan.
Ông Trần Phạm Chí đưa ra lời khuyên, chỉ người uống rượu bia không làm chủ bản thân về lời nói, hành vi, cử chỉ chứng tỏ họ đã bị ngộ độc khá lâu. Biểu hiện ngộ độc rượu bia, những người xung quanh có thể nhận thấy nhưng người uống khó nhận thấy.
Nếu không uống rượu bia hoàn toàn thì rất là tốt cho sức khỏe, còn không thì chúng ta uống với mức độ vừa phải, chừng mực. Nếu thấy tri giác hoặc hành động cử chỉ của mình không được bình thường, lập tức ngưng uống. Một lưu ý rất là quan trọng nữa là không được điều hành các phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu bia.
Theo bác sĩ Trần Phạm Chí các cấp độ ngộ độc phải nhập viện tuỳ mức độ, tuỳ cơ quan bị ảnh hưởng. Nếu ngộ độc ảnh hưởng đến thần kinh, bệnh nhân thậm chí có cơn đoạn thần cấp; lơ mơ, kích thích, hôn mê hoặc có những tổn thương cơ quan mà sau cơn ngộ độc cấp khó hồi phục… hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện.
Người uống rượu bia nhận thấy cơ thể mình không ổn, nên đến ngay các cơ sở y tế. Việc xác định cấp độ sẽ được thực hiện qua thăm khám lâm sàng và xét nghiệm.
Cũng theo vị này, ngộ độc rượu thông thường (trước đó không có tình trạng lạm dụng bia rượu kéo dài), các cơ quan trong cơ thể chúng ta có thể tự hồi phục. Trường hợp bị ngộ độc cấp trên nền cơ quan suy yếu sẵn, một số người sẽ không hồi phục hoặc hồi phục một phần. Có người bị tổn thương không hồi phục được.
Với ngộ độc cấp, phương pháp điều trị sẽ hỗ trợ chức năng các cơ quan và duy trì hoạt động của chúng trong trạng thái tạm ổn. Khi đó, cơ thể sẽ tăng bài tiết lượng cồn, lượng bia rượu ra ngoài, cơ thể dần hồi phục theo thời gian.
Nhiệm vụ của bác sĩ là giúp bình ổn bệnh nhân trong mức độ có thể, giúp dấu hiệu ngộ độc sẽ giảm dần. Trong trường hợp bị ngộ độc mãn, nghiện rượu mãn tính, quá trình đó chỉ có tác dụng một phần mà thôi.
Người bị ngộ độc rượu phần lớn bị ảnh hưởng đến thần kinh, họ sẽ có cơn kích thích, thay đổi tính tình, cử chỉ, lời nói có thể làm hại cho bản thân hoặc người xung quanh.
Có người nôn ói, xuất huyết đường tiêu hoá, nôn ra máu, hôn mê. Trong tất cả các trường hợp, chúng ta có thể đưa bệnh nhân tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Trường hợp bất khả kháng, nên liên lạc với cơ sở y tế gần nhất và giữ cho bệnh nhân ở trạng thái an toàn. Với những bệnh nhân kích thích, bạo lực, hãy giữ họ yên. Những bệnh nhân hôn mê, chúng ta cho nằm sấp, tránh bị nôn và tránh hít thức ăn bị nôn vào phổi.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu, bác sĩ cho rằng trong những ngày thông thường hoặc dịp lễ tết nếu uống thì sử dụng ít nhất có thể và luôn theo dõi cơ thể chính mình.
Để giảm tác hại của bia rượu, có một số mẹo nhỏ bất đắc dĩ có thể áp dụng ví dụ ăn nhiều, ăn một ít tinh bột, rau, thịt, cá… Những thức ăn này giúp cho rượu không thẩm thấu nhanh qua niêm mạc đường tiêu hoá (làm tăng ngộ độc rượu cấp).
Sử dụng một số loại nước trái cây và thức ăn nhẹ giúp giảm nồng độ rượu. Thậm chí hát hò, nói chuyện cũng giúp thải rượu qua đường hô hấp ra ngoài.