Tháng 3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh. Trong đó, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì triển khai Chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng.
Trong đó, NHNN có trách nhiệm chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước, là Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 – 2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường.
Ngay sau đó, NHNN và các ngân hàng thương mại trong chương trình này đã có văn bản hướng dẫn triển khai trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiện nay chưa có chủ đầu tư nào tham gia chương trình này, dẫn đến việc chưa phát sinh dư nợ.
NHNN cho biết: Hiện nay, nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn hạn chế do những khó khăn, vướng mắc, như việc lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; quỹ đất dành cho nhà ở xã hội; ưu đãi dành cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chưa thực sự thu hút; việc xác định giá bán nhà ở xã hội …
Những vướng mắc này có thể ảnh hưởng đến nguồn cung nhà ở xã hội cũng như đến tiến độ triển khai dự án.
“Dù vậy, đến nay, NHNN chưa nhận được danh mục các dự án theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Công văn số 1551/BXD-QLN. Do đó, mặc dù được triển khai từ 1/4/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng”, NHNN cho biết.
Bên cạnh đó, quy định về điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện nay cũng đang gặp nhiều ý kiến phản ánh như, điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà ngày một tăng cao.
“Những khó khăn, vướng mắc này cũng sẽ là những nguyên nhân chính, ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng”, NHNN cho biết.
Do đó, NHNN đề nghị các Bộ, ngành rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp lý, trình tự, thủ tục trong đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tăng nguồn cung phân khúc bất động sản này cho thị trường, đáp ứng nhu cầu thực của người dân.
NHNN cũng đề nghị các địa phương sớm công bố danh mục các dự án để các đối tượng thụ hưởng có điều kiện tiếp cận vốn vay tại các ngân hàng thương mại. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng như người dân trên địa bàn về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng để nắm bắt và tiếp cận chương trình.
Đối với các ngân hàng thương mại, NHNN đề nghị thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình triển khai danh mục các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, đẩy mạnh công tác truyền thông về chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng tới khách hàng của ngân hàng.