SGGPO
Ngày 19-5, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) thuộc Liên Hợp quốc phối hợp cùng Chương trình Chống lao Quốc gia Việt Nam và Trung tâm Phòng chống lao và phong Campuchia (CENAT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2”.
Toàn cảnh Hội thảo khởi động dự án “Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2” |
Dự án nhằm cải thiện khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh lao cho người dân thường xuyên di chuyển ở khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, đồng thời nâng cao hợp tác giữa các cơ quan y tế tại 4 tỉnh An Giang, Tây Ninh (Việt Nam) và Svay Rieng, Takeo (Campuchia).
Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Bình Hòa, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Trưởng ban điều hành Chương trình chống Lao quốc gia Việt Nam cho biết, Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng của bệnh lao. Mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao, nhưng cả hai quốc gia đều đối mặt với việc thiếu hụt nguồn tài chính để loại bỏ bệnh lao hoàn toàn.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh chung trên thế giới bị tác động nặng nề bởi 2 năm xảy ra đại dịch Covid-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam và Campuchia đã chịu những ảnh hưởng nhất định. Số lượng và tỷ lệ tử vong do lao ở Việt Nam năm 2021 được ước tính là 12.000 người, tăng 34,8% so với năm 2020. Số liệu này ở Campuchia là 3.400 người, tăng 5% so với năm 2020. Chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh lao bùng phát trong cộng đồng.
Theo PGS-TS Nguyễn Bình Hòa, nhằm tăng cường tiếp cận và ghi nhận nhiều hơn số bệnh nhân lao chưa được phát hiện, cũng như đảm bảo các nhóm dễ bị tổn thương, nguy cơ cao và cộng đồng nói chung, người di cư qua lại khu vực biên giới nói riêng đều có thể tiếp cận được các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao có chất lượng, Dự án Kiểm soát bệnh lao khu vực biên giới Việt Nam và Campuchia giai đoạn 2 đã được Quỹ Toàn cầu phê duyệt từ năm 2022 – 2024.
Việc mở rộng Dự án nhằm góp phần nâng cao hợp tác giữa các cơ quan y tế Việt Nam và Campuchia tại các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Svay Rieng và Takeo, để đảm bảo hoạt động phòng chống bệnh lao tại khu vực biên giới giữa Việt Nam và Campuchia.
“Dự án rất cần sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, các đối tác trong và ngoài nước và toàn xã hội để xây dựng và ban hành những cơ chế, chính sách thuận lợi, cũng như cam kết và hỗ trợ kinh phí nhằm triển khai đồng bộ các can thiệp ưu tiên, góp phần tăng cường sự tiếp cận của người di cư đối với dịch vụ chẩn đoán và điều trị lao, phù hợp với cam kết khu vực và toàn cầu”, PGS-TS Nguyễn Bình Hòa thông tin.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Chan Yuda Hout, Giám đốc Trung tâm Phòng chống lao và phong Quốc gia Campuchia, cho biết, người di cư thường phải đối mặt với điều kiện sinh sống nghèo khó và chật chội. Việc ít khi tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chậm trễ trong chẩn đoán bệnh, khiến người di cư dễ nhiễm và mắc bệnh lao.
Bên cạnh đó, người di cư khó có thể tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh lao do không có bảo hiểm y tế, bị kì thị, bị phân biệt đối xử và tình trạng pháp lý không có giấy tờ tùy thân. Tương tự như vậy, gánh nặng kinh tế có liên quan đến chẩn đoán và điều trị bệnh lao cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực đến người di cư và gia đình họ.