Ngày 18/5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, giai đoạn 2018-2022.
Sau khi đi thực tế tại một số đơn vị, trường học thuộc Sở, đoàn giám sát đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT về thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, giai đoạn 2018-2022. Theo đó, trong những năm qua, các cơ sở giáo dục, đào tạo đã tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về giáo dục. Quy mô trường, lớp học trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập tiếp tục mở rộng và phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập, tiếp cận giáo dục của người dân. Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và học sinh thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, đặc biệt quan tâm đối với chính sách các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn góp phần huy động học sinh ra lớp, tăng tỷ lệ chuyên cần, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học. Từ năm học 2018-2019 đến năm học 2021-2022, Sở đã thực hiện chi trả cấp bù học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các cơ sở giáo dục trực thuộc và học sinh cấp THPT với tổng kinh phí chi trả trên 14 tỷ đồng; tổng đầu tư trang bị sách giáo khoa, tài liệu, học liệu với kinh phí trên 7,8 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020 đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp 229 phòng học; số trường phổ thông đạt chuẩn quốc gia có 123/211 trường chiếm tỷ lệ 58,3% so với năm 2018 tăng 14% và so với kế hoạch năm 2022 tăng 2,3%.
Đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục, giai đoạn 2018-2022.
Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục còn gặp một số khó khăn như: Tình trạng quá tải học sinh ở một số trường còn xảy ra, một số trường có số lớp/trường, số học sinh/lớp vượt quá quy định; cơ sở vật chất mặc dù đã được tập trung đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng việc tổ chức dạy học 2 buổi, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thực hiện các hoạt động thí nghiệm, thực hành cũng như các hoạt động giáo dục khác theo yêu cầu đổi mới; nhiều điểm trường lẻ thiếu nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh, nước sạch; thiếu tường rào, sân chơi; thiếu trang thiết bị, đồ dùng.Công tác huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho GD&ĐT còn hạn chế; toàn tỉnh có 2.272 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, nhưng biên chế cán bộ quản lý, GV, nhân viên còn thiếu ở các cấp học theo định mức quy định, nhất là các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục phổ thông mới…
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của Sở trong thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục. Đồng chí nhấn mạnh, để thực hiện hiệu quả công tác GD&ĐT, Sở cần tập trung nghiên cứu, rà soát hệ thống các quy chế, quy định về chính sách pháp luật về giáo dục để tham mưu các cấp tỉnh tháo gỡ những bất cập, khó khăn hoặc các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Cần thành lập đề án xã hội hóa trên lĩnh vực giáo dục, xây dựng cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển trường chất lượng cao ở các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT, ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn ngân sách trung ương kết hợp ngân sách địa phương để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục và đáp ứng yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo lộ trình đúng quy định; có chế độ chính sách đối với học sinh nhằm tăng tỷ lệ học sinh ra lớp; xây dựng các chính sách đặc thù để khuyến khích, động viên đội ngũ nhà giáo tâm huyết, gắn bó với ngành, nâng cao chất lượng giáo dục.
Kim Thùy