Bước đi đầu tiên hội nhập trở lại thế giới Arab của Syria chính thức diễn ra sau khi Tổng thống nước này Bashar al-Assad nhận lời mời tham dự phiên họp thượng đỉnh của Hội đồng Liên đoàn Arab (AL), diễn ra vào hôm nay, 19/5.
Tổng thống Bashar al-Assad nhận lời mời tham dự phiên họp thượng đỉnh của Hội đồng Liên đoàn Arab (AL), diễn ra vào ngày 19/5 tới. (Nguồn: ITN) |
Thế nhưng, liệu động thái mang nhiều ý nghĩa này tác động thế nào đến tương lai cuộc nội chiến kéo dài đã 13 năm ở Syria thì vẫn là câu hỏi. Cho đến nay, Syria vẫn là một mớ hỗn độn.
Ngoài lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại, cuộc đối đầu giữa chính quyền al-Assad được Nga và Iran hậu thuẫn với phe đối lập được phương Tây và một số nước Arab chống lưng vẫn tiếp diễn. Đó là chưa kể nhóm người Kurd với sự trợ giúp của Mỹ đang toan tính lập vùng tự trị riêng ở miền Bắc Syria.
Trong khi đó, kinh tế rất ảm đạm. Syria không thiếu những tiềm năng, nhất là dầu lửa. Vào thời đỉnh cao năm 1996, nước này khai thác 582.000 thùng dầu lửa/ngày, doanh thu bán dầu đạt 4 tỷ USD, chiếm một phần ba ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, đến năm 2015, con số này đã giảm xuống còn 27.000 thùng/ngày, rồi 24.000 thùng/ngày vào năm 2018.
Syria cũng từng là quốc gia nông nghiệp thịnh vượng, sản xuất tới 4 triệu tấn lúa mì mỗi năm, không những đủ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, nhất là Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, lệnh cấm vận toàn diện mà Mỹ và EU áp đặt đang khiến Syria lâm vào tình cảnh thiếu ngũ cốc, buộc chính quyền Damascus phải nhập khẩu mặt hàng thiết yếu này. Một nửa dân số Syria phải đi tị nạn.
Cho đến nay, Mỹ và EU vẫn tỏ ra cứng rắn với Syria. Các nước này phản đối gay gắt việc Syria tái gia nhập AL, đồng thời khẳng định không bình thường hóa quan hệ với chế độ của Tổng thống al-Assad và dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Trong thế giới Arab, Qatar và Kuwait cũng chưa tán thành việc thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Damascus.
Nhiều bước đi khó khăn đang thử thách Syria.