Mang đến nhiều cảm xúc nhất cho người xem tại SEA Games 32 chắc chắn là VĐV nước chủ nhà Campuchia, Bou Samnang. Cô gái nhỏ bé tham gia cuộc đua 5.000 m nhưng cô nhanh chóng bị bỏ lại phía sau ngay từ những mét đầu tiên. Lúc này, trời đổ mưa nặng hạt khiến Samnang càng khó khăn trong phần thi của mình. Khi các VĐV khác đã cán đích, Samnang vẫn còn gần 2 vòng chạy cần chinh phục. Tuy nhiên, cô gái trẻ vẫn không bỏ cuộc. Samnang vừa khóc, vừa chạy dưới cơn mưa tầm tã và sau đó về đích dưới sự chứng kiến của các CĐV nước chủ nhà.
Samnang kiên trì về đích trở thành một biểu tượng của tinh thần thể thao tại SEA Games 32, được truyền thông khu vực và thế giới ca ngợi. Cô được Thủ tướng Hun Sen và phu nhân gửi tặng số tiền 10.000 USD. Tiết lộ với truyền thông, Samnang cho biết mình sẽ dùng số tiền này để trả nợ cho mẹ.
Tại SEA Games 31 ở Việt Nam, VĐV người Philippines, Samantha giành HCV nội dung kiếm liễu cá nhân nữ. Bước vào SEA Games 32, kiếm thủ này tiếp tục được kỳ vọng sẽ mang về tấm HCV cho thể thao nước nhà.
Bước vào SEA Games 32, Samantha đã thi đấu đầy nỗ lực và khẳng định sức mạnh của mình khi vào đến trận đấu bán kết một cách dễ dàng. Tưởng chừng như một lần nữa cô gái đến từ Philippines sẽ có được tấm HCV nhưng bất ngờ một chấn thương đã ập đến.
Khi tỷ số đang là 13-6, Samantha bất ngờ bị ngã, gặp chấn thương cổ chân. Cô nằm gục xuống sàn và cần sự giúp đỡ của đội ngũ y tế. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt cô gái Philippines. Samantha gần như không thể đứng dậy. Càng cố gắng, cô càng khóc nhiều hơn đến nỗi tưởng chừng nhà đương kim vô địch phải bỏ cuộc. Nhưng sau khoảng 10 phút, điều kỳ diệu đã xảy ra. Samantha bất ngờ bước vào vị trí. Cô đội mũ giáp và ra hiệu mình sẽ tiếp tục thi đấu. Bằng cách phi thường nào đó, Samantha giành chiến thắng 15-6 và cô lại gục xuống, bật khóc.
Trong cuộc thi diễn ra chiều 8.5 trên sân Morodok Techo, Puripol Boonson có khởi đầu rất suôn sẻ khi dẫn đầu cuộc đua, khi cách đích chừng 100 m, anh đã tăng tốc và áp sát vào đồng đội Soraoat Dapbang, nhưng bất ngờ khựng lại và ngã xuống.
Ngày 11.5, tại nội dung chạy 800 m nam, VĐV điền kinh nước chủ nhà Campuchia, Chhun Bunthorn đã tạo nên bất ngờ khi vượt qua Lương Đức Phước để giành HCV. Đáng nói hơn, đây là tấm HCV đầu tiên của nước chủ nhà SEA Games 32 ở môn điền kinh.
Anh không thể tin vào những gì mình vừa làm được. Hơn thế, niềm xúc động càng trào dâng trong VĐV nước chủ nhà khi giờ đây anh chẳng cha và mẹ để chứng kiến mình giành chiến thắng.
Anh nghẹn ngào: “Tôi rất xúc động, tôi không có cha mẹ, cha mẹ của tôi đã mất cả rồi. Tôi rất nhớ cha mẹ của tôi. Nếu họ còn sống, thấy tôi giành chiến thắng chắc hẳn họ rất vui và hạnh phúc với thành tích này. Việc đoạt được HCV rất là khó vì tôi đã tập luyện gian khổ ở Trung Quốc 8 tháng”.
Nhắc đến khoảnh khắc xúc động, VĐV điền kinh của Việt Nam, Nguyễn Thị Oanh xứng đáng được góp mặt. Chiều 9.5, Nguyễn Thị Oanh của Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi ban tổ chức xếp 2 nội dung 1.500 m và 3.000 m vượt chướng ngại vật chỉ diễn ra cách nhau khoảng 30 phút.
Tuy nhiên, thách thức về thời gian không thể ngăn cản Nguyễn Thị Oanh tạo nên kỳ tích. Cô về nhất ở nội dung 1.500 m, Sau đó, tranh thủ nghỉ ngơi ít phút, chỉ kịp uống vội chai nước và tiếp tục chiến thắng ở nội dung 3.000 m vượt chướng ngại vật.
Hai HCV SEA Games của Nguyễn Thị Oanh chỉ cách nhau 30 phút, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử đại hội. Nhiều người đã gọi cô là “siêu nhân”, “nữ hoàng điền kinh” để khen ngợi sự phi thường mà Nguyễn Thị Oanh đã mang đến SEA Games 32.
Ngày 9.5, VĐV người Philippines, Ivan Cruz đã xuất sắc vượt qua Tikumporn Surintornta (Thái Lan) và Joseph Judah Hatoguan (Indonesia) để giành tấm HCV SEA Games 32 ở môn thể dục dụng cụ. Đây là tấm HCV SEA Games đầu tiên của VĐV 21 tuổi này. Bên cạnh niềm tự hào vì mang vinh quang cho nước nhà, Cruz vui mừng khôn tả bởi chiến tích này có thể giúp anh có tiền để nuôi các em ăn học.
“Tôi đã trải qua rất nhiều khó khăn ở Philippines. Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ giành được danh hiệu này. Gia đình tôi gặp vấn đề về tài chính. Tôi là anh cả và 6 người em của tôi không được đi học. Thật tuyệt khi bây giờ, tôi có thể kiếm tiền để hỗ trợ các em. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Đó là lý do tại sao tôi ở đây, tại SEA Games 32. Tôi đã từng từ bỏ, nhưng rồi lại trở lại tập luyện vào năm ngoái. Tôi đã rất nỗ lực và rèn luyện chăm chỉ cho cơ hội này”, Ivan Cruz chia sẻ.
3 ngày sau khi thi đấu tại giải vô địch cử tạ châu Á tại Hàn Quốc, Lovely Inan cùng các thành viên còn lại của đội cử tạ Philippines đã thẳng tiến đến Phnom Penh, Campuchia để tranh tài tại Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 32.
Thi đấu tại SEA Games 32 tại quê nhà, VĐV môn ju-jitsu, Jessa Khan khát khao chinh phục tấm HCV. Tại SEA Games 31, VĐV sinh ra ở Mỹ không thể thi đấu do vượt quá giới hạn trọng lượng 200g. Tuy nhiên, trong nội dung đầu tiên của cô ấy, VĐV Jenna Kaila Napolis của Philippines đã làm tạo nên bất ngờ khi lộn ngược dòng đánh bại Jessa Khan bằng cú quét vào giây cuối cùng để giành HCV.
3 ngày sau, Jessa Khan có một cơ hội khác. Với áp lực đè lên vai từ CĐV cũng như kỳ vọng của chính bàn thân nhưng Jessa Khan đã vượt qua một VĐV người Philippines khác là Meggie Ochoa để giành HCV. Jessa Khan phấn khích, không giấu nỗi những giọt nước mắt hạnh phúc. Sau những nỗ lực, cô cũng đã bước lên bục cao nhất. Hạnh phúc hơn khi cô làm điều đó trên chính sân nhà của mình.
SEA Games 32 đã khép lại và Thủ tướng Hun Sen đã gọi đây là một trong những kỳ đại hội thành công nhất trong khu vực. Thế nhưng, để đi đến những thành công ấy, những tình nguyện viên, làm công tác hậu cần đóng góp không ít sức mình. Họ cũng xứng đáng được tôn vinh tại SEA Games 32.