(Baoquanngai.vn)- Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc học tập và làm theo Bác, Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Thủy (Sơn Hà) đã lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.
Tiếng thơm còn mãi muôn đời
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Khắc sâu lời Bác dạy, vào mỗi dịp sinh nhật Bác, cán bộ, đảng viên và người dân xã Sơn Thủy đều tham gia thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa dâng lên Người.
Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Đinh Văn Hoát không giấu được xúc động khi gọi điện thông báo cho chúng tôi là ở địa phương vừa có gia đình sẵn sàng hiến hơn 1.000m2 đất để mở rộng diện tích điểm trường chính của Trường Mẫu giáo Sơn Thủy. Đó là vợ chồng ông Trương Tiến (60 tuổi) và bà Nguyễn Thị Nga (55 tuổi), người ở thôn Làng Rào. Vợ chồng ông Tiến là tấm gương tiêu biểu của xã trong việc tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều đó không chỉ mang đến sự phấn khởi cho lãnh đạo địa phương, mà còn nhân lên nhiều việc tốt trong cộng đồng dân cư, góp phần lan tỏa lối sống đẹp trong xã hội.
Như để thấu hiểu thêm việc làm của vợ chồng ông Tiến, chúng tôi tức tốc chạy xe máy lên xã vào một buổi chiều mùa hạ. Cơn mưa rừng bất chợt đổ xuống khiến khung cảnh núi rừng thêm vắng lặng. Cảnh buồn nhưng lòng dân và cán bộ, đảng viên ở đây đều phấn khởi vì hành động cao đẹp của vợ chồng ông Tiến, khi hiến cả 1.000m2 đất để mở rộng trường. Vợ chồng ông Tiến xứng đáng được ghi danh vào “sổ vàng” của địa phương.
Diện tích đất rộng hơn 1.000m2 được gia đình ông Tiến hiến tặng để xây dựng Trường Mẫu giáo Sơn Thủy. |
Chúng tôi ghé Trường Mẫu giáo Sơn Thủy cũng là lúc bà Nga (vợ ông Tiến) cũng có mặt. Thoáng nhìn, chúng tôi rất cảm tình với bà Nga, vì bà là người phụ nữ có vẻ mặt đôn hậu, hiền lành. Khi biết chúng tôi tìm hiểu về việc làm của gia đình, bà Nga chia sẻ rất từ tốn.
“Tôi muốn làm việc gì đó có ích cho vùng đất này, nơi vợ chồng tôi gắn bó bao năm qua, với nhiều ân tình. Tôi chỉ hi vọng con em trong xã có được chỗ học hành khang trang, bởi bọn trẻ đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Dĩ nhiên, đất thì quý, có giá trị nhưng cái tình càng quý hơn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế thôi”, bà Nga nói.
Bà Nga chia sẻ thêm, mấy chục năm về trước, từ vùng quê nghèo, vợ chồng bà khăn gói lên non cao lập nghiệp, gặp nhau rồi chọn xã Sơn Thủy làm nơi định cư lâu dài. “Thuận vợ, thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”, hai vợ chồng chăm chỉ làm lụng, tiết kiệm chi tiêu, tích lũy vốn liếng. Cuộc sống dần ổn định, khá giả hơn. Khi có “của ăn, của để”, vợ chồng quyết chí “tậu” thêm tài sản. Ở thời điểm giá vàng khoảng vài trăm nghìn đồng một chỉ, thay vì sắm vàng để dành thì vợ chồng bà lại dồn hết vào việc mua lại mảnh đất có mặt tiền hướng ra Quốc lộ 24B, sát Trường Mẫu giáo Sơn Thủy, một trong những vị trí đắc địa ở địa phương hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Nga và học sinh Trường Mẫu giáo Sơn Thủy. |
Phong trào xây dựng nông thôn mới đang lan tỏa khắp nơi, từ tỉnh, huyện cho tới xã, thổi những làn gió mới, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương. Tuy nhiên, xã Sơn Thủy lại vướng phải một số tiêu chí, trong đó có tiêu chí về giáo dục. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Điển hình như ở Trường Mẫu giáo Sơn Thủy, khuôn viên còn chật hẹp, không đủ đáp ứng các hoạt động dạy và học cho trẻ. Thế nhưng, để tháo gỡ được nút thắt này rất khó, vì địa phương không có quỹ đất.
Thế là, mảnh đất của vợ chồng bà Nga lọt vào “tầm ngắm”. Ngày này qua ngày khác, lãnh đạo địa phương cùng một số đồng chí trong Chi bộ, Mặt trận thôn đến tận nhà bà Nga làm công tác dân vận. “Ban đầu, vợ chồng tôi cũng do dự vì trải qua bao cố gắng mới mua được, nó như kỷ niệm của hai vợ chồng về những chuỗi ngày gian khó nhất. Thế nhưng, những lời dạy, những câu nói của Bác khi được địa phương nhắc đến như thấm sâu vào lòng, đó là nên biết hy sinh cái riêng để phục vụ cho lợi ích chung. Cuối cùng, vợ chồng tôi đã gật đầu đồng ý, cùng nhau lên xã ký thỏa thuận hiến đất. Việc lớn bắt đầu từ những việc nhỏ như vậy và cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn khi biết cho đi”, bà Nga trải lòng.
“Điểm trường chính của Trường Mẫu giáo Sơn Thủy hiện chỉ có 4 phòng học, không có bếp ăn và phòng hiệu bộ. Điều kiện dạy và học khó khăn, thiếu thốn. Nhà trường phải dùng tạm một phòng học làm nơi để cán bộ, giáo viên làm việc, sinh hoạt. Mặt khác, quy mô của trường hiện nay vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu của con em trong xã. Mơ ước của trường là sớm được mở rộng diện tích, đầu tư, nâng cấp và đạt chuẩn quốc gia; có thể nhận nuôi và dạy thêm trẻ ở nhóm tuổi từ 24 – 36 tháng tuổi, vì hiện tại trường chỉ nhận trẻ ở nhóm tuổi từ 3 – 5 tuổi. Hay tin bà Nga hiến đất, cán bộ, giáo viên và phụ huynh ai cũng mừng. Xin được tri ân tấm lòng của bà bằng việc làm thiết thực là “dạy tốt, học tốt”, góp phần nâng cao sự nghiệp giáo dục của quê hương”.
Cô giáo TRẦN THỊ QUỲNH TRANG
|
Đảng viên của dân làng
Chúng tôi tìm đến thôn Tà Bi, thôn đặc biệt khó khăn của xã Sơn Thủy, nơi có hơn 44% dân số là hộ nghèo. Người dân ở đây đang có nhiều việc tốt để dâng lên Bác. Điển hình nhất là việc khởi công tuyến đường Làng Phổ (đoạn nối với tuyến đường ĐH12) ngay trong tháng 5 này. Tuyến đường có chiều dài 400m, tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho hàng chục hộ dân, kết nối giao thương với miền xuôi và các huyện lân cận.
Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Tà Bi Đinh Văn Trun cho hay, đặc thù của tuyến đường là tuy ngắn, nhưng ngoằn ngoèo và nhiều dốc cao. Lòng đường chỉ vừa đủ cho xe máy di chuyển. Chính vì vậy, để có được chiều rộng đạt chuẩn thì phải cần đến sự chung sức, đồng lòng của người dân trong thôn. Có 5 hộ nằm trong vùng ảnh hưởng. Trường hợp của già Đinh Văn Duỗi (73 tuổi) có đất nằm ngay vị trí đầu tiên của tuyến đường là khó khăn nhất. Nếu không có sự đồng thuận của ông thì không thể thi công. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt, cấp ủy, chính quyền đã tích cực đến tận nhà ông nhiều lần để vận động, thuyết phục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Già Duỗi mất nhiều thời gian đắn đo, suy nghĩ, đấu tranh với chính mình để đưa ra quyết định hiến hay không hiến. Khoảng 70m2 đất tuy không lớn nhưng cũng không phải nhỏ đối với một gia đình đông con, hoàn cảnh khó khăn như gia đình của ông. Phần lớn các con đều là những hộ nghèo, cận nghèo. Thế nhưng, vì lợi ích chung của làng, ông đã tự nguyện hiến tặng. Khi thấy ông tiên phong, 4 hộ dân còn lại cũng đã đồng lòng hiến thêm mỗi hộ khoảng 70m2. Thành công này ghi nhận những cố gắng rất lớn của anh Trun, một đảng viên gương mẫu ở thôn.
Tuyến đường Làng Phổ, nơi mà gia đình ông Đinh Văn Duỗi sẽ hiến đất để khởi công trong tháng 5. |
“Trong công tác vận động hiến đất xây dựng nông thôn mới, một trong những kinh nghiệm đặt ra là phải vận dụng sáng tạo việc học tập và làm theo Bác trong công tác dân vận. Người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, chứ không phải “chỉ nói suông”; phải luôn đặt vị trí của mình vào người dân để nắm bắt tâm tư và nguyện vọng. Nếu đến một lần người dân chưa đồng ý thì tiếp tục đến nhiều lần. Đến khi nào không còn cách giải quyết, bản thân mới dừng lại. May mắn là người dân trong thôn Tà Bi không cho tôi cơ hội để bỏ cuộc”, anh Trun cười nói.
Việc học tập và làm theo Bác đã thực sự đi vào đời sống của mọi tầng lớp người dân ở xã Sơn Thủy. Ngày càng có nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình tham gia phong trào hiến đất xây đường, xây trường học… Điều đó sẽ là động lực to lớn để xã sớm cán đích nông thôn mới trong năm 2024. Lần giở cuốn sổ lưu đầy đủ danh sách những hộ dân đã hiến đất trong các năm qua, ông Hoát đọc rành rọt những số liệu tổng hợp từ các thôn đã ghi trong đó, gồm: Thôn Tà Bi đã hiến đất để xây dựng 5 tuyến đường với tổng chiều dài 750m; thôn Tà Bần hiến đất, xây dựng 2 tuyến đường với tổng chiều dài 400m; thôn Tà Cơm hiến đất, xây dựng 4 tuyến đường, với tổng chiều dài 500m…
“Đó là kết quả ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và hội đoàn thể xã Sơn Thủy; trong đó, giữ vai trò then chốt nhất chính là các cán bộ, đảng viên ở cấp xã, thôn. Họ là những đảng viên của dân làng, luôn bám sát các văn bản, chỉ đạo của cấp trên; cụ thể hóa việc học tập và làm theo Bác về công tác dân vận phù hợp với thực tế ở địa phương. Nhiều cán bộ, đảng viên còn tiên phong hiến đất, làm gương cho người dân, tiêu biểu như anh Trun từng hiến đất 2 lần để xây dựng 2 tuyến đường ở thôn Tà Bi”, ông Hoát nhấn mạnh.
Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Tà Bi Đinh Văn Trun và già Đinh Văn Duỗi. |
Rời non cao khi trời vừa tạnh, chúng tôi chẳng thể nào quên những cái nắm tay của Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy Đinh Văn Hoát. Đó như minh chứng thuyết phục cho cầu nối vững chắc giữa ý Đảng và lòng dân. Tấm lòng của người dân vùng cao thật đáng quý, cuộc sống tuy còn nghèo khổ, cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp trồng người, xây dựng quê hương giàu đẹp. Bác Hồ từng nói: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Tin rằng, bộ mặt nông thôn ở xã Sơn Thủy rồi đây sẽ được vun đắp, đổi thay từ cái nghĩa, cái tình của người dân. Và tiếng thơm ấy vẫn mãi lưu giữ trong muôn đời…
Bài, ảnh: THIÊN HẬU