Xác định là một đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thời gian qua huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp, chương trình để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng.
Với quan điểm phát triển nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài, huyện Đầm Hà đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số; cải cách toàn diện giáo dục và đào tạo… Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU (ngày 7/1/2021) về nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định mục tiêu phát triển toàn diện con người, tạo lập đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, thể lực và đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân về phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác quản lý nhà nước và có những giải pháp cụ thể về nguồn vốn, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nguồn nhân lực… Huyện quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học, tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của huyện; triển khai Đề án “Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội huyện Đầm Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; sắp xếp lại hệ thống trường học phù hợp với quy mô, mật độ dân cư và đơn vị hành chính. Từ năm 2020 đến nay huyện đã giảm 3 trường học, 4 điểm trường.
Đến nay 100% trường học đạt chuẩn quốc gia chuẩn mức độ 1; trong đó có 5/27 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Mạng lưới, quy mô trường lớp được sắp xếp phù hợp, vừa đáp ứng yêu cầu dạy và học, vừa đảm bảo tinh gọn. Đội ngũ quản lý, giáo viên được bồi dưỡng, đào tạo thường xuyên đáp ứng yêu cầu dạy học với 96,43% cán bộ quản lý, giáo viên đều đạt chuẩn, trên chuẩn. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn duy trì ổn định và phát triển. Công tác xóa mũ chữ, phổ cập giáo dục được giữ vững: Phổ cập giáo dục tiểu học đạt chuẩn mức độ 3; phổ cập giáo dục THCS chuẩn mức độ 2; xoá mù chữ đạt chuẩn mức độ 2.
Chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được nâng cao, thạc sĩ chiếm 5,5% (thời điểm tháng 3/2023). Hiện 100% CBCC cấp huyện và cấp xã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn; 100% cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được bồi dưỡng theo chương trình quy định.
Huyện chủ động phát hiện, đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, cán bộ trẻ; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ… Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử được thực hiện theo đúng các bước quy định; đổi mới trong tuyển dụng, tuyển chọn lãnh đạo, tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý. Từ năm 2020 đến nay huyện đã điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với 96 lượt CBCCVC các cơ quan, phòng, ban, xã, thị trấn; bổ nhiệm lại 23 CBCCVC; rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các chức danh thuộc diện BTV Huyện ủy phê duyệt quy hoạch. Công tác định hướng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động được quan tâm chú trọng, đáp ứng khá tốt nhu cầu thị trường. Đến hết năm 2022 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%; trong 3 năm qua toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 3.700 lao động.
Trong giai đoạn phát triển mới, chất lượng nguồn nhân lực cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế, huyện tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc, nhất là các lĩnh vực CNTT, y tế, ngoại ngữ, du lịch; định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc THCS; gắn đào tạo nghề với nhu cầu của thị trường lao động.