Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội và xin thôi các chức vụ do Quốc hội phê chuẩn.
Thông tin được Phó ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết tại họp báo trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, sáng 19/5. Ông Nguyễn Phú Cường đã gửi đơn ngày 16/5, một ngày sau khi Trung ương thống nhất để ông Cường thôi chức Ủy viên Trung ương khóa 13.
Ông Nguyễn Phú Cường nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai hai nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025. Năm tháng trước, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định Ban cán sự đảng UBND tỉnh Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để UBND tỉnh và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện một số dự án và công tác cổ phần hóa. Có những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, bị xử lý hình sự.
Ông Nguyễn Phú Cường là một trong số các lãnh đạo tỉnh Đồng Nai phải chịu trách nhiệm trong giai đoạn ông giữ chức Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này.
Cuối tháng 3, Bộ Chính trị cảnh cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 do vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục, thiệt hại và nguy cơ thất thoát lớn ngân sách nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét quyết định cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu và miễn nhiệm chức vụ do Quốc hội phê chuẩn đối với ông Nguyễn Phú Cường tại kỳ họp này”, ông Tuấn Anh nói.
Xem xét đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường
Theo Phó ban Công tác Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội cũng sẽ xem xét đề nghị phê chuẩn, bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường nhiệm kỳ 2021-2026.
Người giữ cương vị Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường hiện nay là ông Trần Hồng Hà. Ngày 5/1, ông được Quốc hội thông qua nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm Phó thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Quốc hội cũng xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Ngoài ra, 9 dự án Luật sẽ được cho ý kiến, gồm Luật Đất đai (sửa đổi) (cho ý kiến lần 2); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 sẽ họp tập trung, chia theo hai đợt với tổng thời gian làm việc 22 ngày. Đợt 1 kéo dài 17 ngày (22/5-10/6); đợt 2 trong 5 ngày (19/6-23/6).