“Biết thế tôi đã đi sớm hơn”
Chị Nguyễn Thị Bích Lan (sống ở Hội An) từng làm việc ở thư viện trường học quốc tế, hiện đang là chuyên gia khai vấn Cha mẹ và Trẻ em, đồng thời vẫn duy trì công việc dạy tiếng Việt cho học sinh nước ngoài, mới từ Đất Mũi Cà Mau, trở về TP.HCM hôm 9.5. Hành trình xuyên Việt “mang sách đi chơi” qua mọi miền đất nước kết thúc sau gần 2 tháng. “Đi tới nơi rồi, điều đầu tiên tôi nghĩ là “ồ, vậy là mình cũng có thể đi được. Biết thế, mình đã đi sớm hơn”, chị cười.
Chị Lan quê ở Vĩnh Phúc. Kể về tuổi thơ gian khó, người phụ nữ cho hay đó là những ngày chỉ ước mơ được ăn một bát cơm trắng và có sách.
“Truyện Bác sĩ Ai – bô – lít nhân từ là cuốn sách duy nhất tôi có. Cuốn sách đã cùng tôi đi hết tháng năm tuổi thơ, với những ý tưởng lung linh và vô vàn điều đẹp đẽ, diệu vời. Tôi bắt đầu vẽ ra những ước mơ về sách, về những ngôi trường và những đứa trẻ – chúng có thể đói cơm, rách áo nhưng không thể nghèo nàn về trí tuệ”, chị Lan kể về cuốn sách đầu tiên. Tâm nguyện với trẻ em đã đưa chị rẽ ngang, theo đuổi con đường giáo dục, dù chị tốt nghiệp cử nhân luật.
Ngày 11.3, ở tuổi ngoài 45, sức khỏe mới vực dậy sau gần 10 năm ốm, yếu, chị quyết tâm dành 3 tháng trước đó đến phòng tập gym, chuẩn bị tài chính, sắp xếp công việc… để hiện thực hóa ước mang sách đến gần hơn trẻ em… bằng hành trình “mang sách đi chơi” bằng xe máy.
Chị Lan khởi hành từ Hội An, hành lý là vài bộ quần áo, đồ dùng tối giản cho cá nhân, còn lại để có thể đem theo nhiều sách và nhiều hộp thẻ câu đố thông minh do chị biên soạn, thiết kế, đầu tư xuất bản để tặng các em suốt dọc đường đi.
Chặng đầu tiên, từ Hội An chị Lan đi ngược ra các tỉnh phía Bắc, qua Huế, Quảng Bình… tới Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.
Một số cung đường, do thời tiết xấu và sức khỏe không cho phép, chị chọn cách cho cả người và xe máy lên xe khách. Hoàn thành chuyến đi tới miền Bắc, chị Lan quay lại Hội An nghỉ ngơi ít ngày rồi tiếp tục hành trình di chuyển về phía nam.
Từ Hội An, chị bắt đầu chạy xe qua Tam Thanh, Tam Hải. Đến Quảng Ngãi, qua Bình Định, Nha Trang… Đồng Nai, TP.HCM. Từ đó, chị đi tiếp qua Long An, đến Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long. Tới Cần Thơ, nghe dự báo thời tiết xấu, có thể mưa lớn, chị Lan cho xe máy lên xe khách để đi thẳng tới Cà Mau.
“Tôi luôn ưu tiên sự an toàn suốt chuyến đi nên không di chuyển lúc trời mưa to hay đã tối, đồng thời luôn tìm các khách sạn có an ninh tốt ở trong thị trấn. Ăn uống thì đơn giản hơn, không phải là các món đặc sản vùng miền và chỉ cần quán ăn sạch sẽ”, chị Lan kể.
“Ước gì tôi có thể ghi lại hết những khoảnh khắc ấy”
Trên suốt hành trình, chị Lan đã gặp gỡ, cùng chơi-đọc với rất nhiều trẻ em. Những “bữa tiệc sách” mở ngay trên bãi biển, trên đường đi, trong sân bóng, dưới gốc cây hay ở quán ăn, tiệm cà phê… đều vô cùng tuyệt vời, thú vị.
“Có buổi chiều, tôi đang chạy xe ở Hà Tĩnh thì rẽ thử vào một con đường đẹp. Thấy các em nhỏ đang chơi ở sân đình, tôi dừng lại trò chuyện với các em một lúc. Sau đó, tôi đem thẻ câu đố ra, trải áo mưa xuống nền đất, cùng các em chơi. Ban đầu còn e ngại, sau đó các em đã thân thiết với tôi như đã quen từ lâu. Các em liên tục hỏi tôi còn gì để đọc nữa không cô…”, chị Lan kể.
Chị Lan đem hết cuốn này tới cuốn khác ra, cùng vui đọc với các em. Đoạn đầu chị hướng dẫn, khúc sau thấy các em quá phấn khích, vừa đọc vừa nhập vai, nhập tâm một cách say sưa, sáng tạo, người phụ nữ mê sách chỉ mỗi việc cầm sách, nhìn ngắm cảnh các em và ước gì có thể ghi lại những khoảnh khắc quý giá này.
Ít nhất 3 lần định quay về vì… hết tiền
Suốt chuyến đi, chị Lan bị hư hỏng xe một vài lần, lần hỏng nặng nhất là đứt dây curoa, phải thay một số bộ phận trong xe. Dù đi theo định vị trên bản đồ, có một số lần chị Lan đi lạc đường. Đi qua nhiều chặng “gió như phang, nắng như rang”, vượt đèo, dốc hay những cây cầu dây văng rùng rình… vẫn không sao, chỉ duy có một lần ở Nha Trang chị bị hoa mắt, ngã xe, may là vết thương nhẹ.
Dọc đường đi, người phụ nữ gặp khá nhiều người giúp đỡ, dù không biết chị là ai. Các anh thợ sửa xe ở TP.HCM cũng chỉ lấy tiền thay phụ tùng, còn tặng chị tiền công “vì nghe giọng chị nói chuyện rất lạ, vui vẻ”.
Trước khi khởi hành, chị Lan đã chuẩn bị một số tiền mang theo trang trải cho hành trình. Song, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, chị Cecilia Anh Vân, người bạn của chị Lan, cũng là người từng đi xe Dream từ Móng Cái tới Cà Mau hồi năm ngoái, cho biết ít nhất có 3 lần người bạn của chị đã định dừng lại hành trình này vì số tiền mang theo gần hết.
“Tôi vẫn theo dõi hành trình của chị Lan và thi thoảng gọi điện hỏi thăm. Đúng vào lần ấy Lan kể rằng có lẽ sẽ quay về nhà vì sắp hết tiền rồi, “về đi làm, khi nào có tiền lại đi tiếp”. Tôi đã tặng chị Lan một ít, cộng với một số bạn bè, phụ huynh học sinh của chị Lan biết được cũng hỗ trợ, tiếp sức, để chị có thể kết thúc hành trình”, chị Anh Vân kể lại.
Còn chị Lan cho biết chị xác định đây không phải là một chuyến đi phượt để tìm kiếm những điều mới lạ từ bên ngoài. Mà nó là nguyện ước từ bên trong của chị, trong nhiều năm qua.
Theo người phụ nữ mới đi xe máy xuyên Việt, khả năng tự học luôn là cần thiết, đặc biệt là trong thời đại này. Để có thể tự học, cần phải có một nền đọc vững chắc. “Dù không thể đem theo nhiều sách trong chuyến đi trải dài khắp đất nước, nhưng tôi hy vọng với tình yêu và tinh thần truyền lửa từ nơi mình, đâu đó có thể khơi gợi niềm yêu đọc và khả năng tự học, tự chủ về tri thức, mạnh mẽ về nội lực cho các trẻ em…”, chị bộc bạch.
Không chỉ mang sách đi chơi cùng trẻ em, trong hành trình xuyên Việt, chị Lan còn làm việc với các trường học, giáo viên, nhân viên thư viện trường học, phụ huynh, những người quan tâm tới sách và trẻ em… Chị hy vọng từ đây sẽ giúp trẻ em được trải nghiệm những buổi đọc thú vị, mới mẻ giống như trong môi trường quốc tế.
Đồng thời qua những buổi chia sẻ tại các trường, các hội nhóm phụ huynh, chị đem đến góc nhìn mới về vận hành, phát triển thư viện trường học, làm sao để thư viện trở thành trái tim học tập của nhà trường, để phụ huynh có thể xây dựng hành trình đọc sách cùng con.