“Nóng không dùng từ gì có thể tả được”
Ghi nhận của Thanh Niên ngày 17.5, bên trong những lán trại tạm bợ được che bằng bạt ở P.Dương Nội (Q.Hà Đông, Hà Nội) – một trong những khu vực tập trung nhiều người lao động, công nhân xây dựng bậc nhất Hà Nội, nhiệt độ dường như không thay đổi so với ngoài trời. Để tránh nắng nóng, những người dân ở bên trong phải liên tục lấy khăn ướt lau mặt, chân tay. Cả buổi trưa không ai ngủ được vì nóng bức.
Bà Phùng Thị Yến (58 tuổi, quê H.Phù Yên, tỉnh Sơn La) cho biết, ngày thường, lán của bà có khoảng 13 – 14 người ở; tuy nhiên do nắng nóng nên trong lán chỉ còn lại 3 – 4 người. Một số người tản ra ngôi nhà đang xây dở gần đó để tránh nắng. “Chị em chúng tôi là nữ nên ở lại đây, thi thoảng cơm nước. Ở nhà này nóng lắm nhưng vẫn phải chịu chứ biết sao được”, bà Yến nói.
Người phụ nữ quê Sơn La trải lòng, ở quê dù làm lụng quanh năm nhưng chỉ bám nương lúa, chăn nuôi nên cuộc sống khó khăn. Cách đây 7 năm, khi con gái út bước chân vào đại học, bà cũng bắt đầu xuống Hà Nội đi làm phụ thợ xây. Đến khi con gái học xong, ra trường, phần vì quen, phần vì về quê không có công việc, bà quyết định bám trụ ở thủ đô kiếm thêm thu nhập.
“Mỗi ngày, tôi kiếm được khoảng gần 300.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống. Đợt này Hà Nội nắng gắt rất khó chịu, ở trong lán trại thì nóng như cái lò, tối cũng không ngủ được. Vất vả là thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh mà phải cố gắng”, bà Yến nói.
Cách lán của bà Yến không xa là lán trại của anh Lang Văn Quý (29 tuổi, quê H.Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngôi lán này thường ngày có 5 người sinh sống, nhưng trưa nắng gắt nên 4 người rủ nhau sơ tán ra ngoài, tìm các gốc cây có bóng mát để nghỉ ngơi. Riêng anh Quý chui xuống gầm giường để tránh nóng, trông đồ đạc.
Người đàn ông này chia sẻ, anh đã gắn bó với công việc xây dựng hơn 10 năm, quen với môi trường nắng, gió, mưa, lạnh, cảnh tạm bợ. Tuy nhiên, dưới nền nhiệt khoảng 40 độ C, anh không thể chợp mắt sau khi làm việc mệt nhọc.
Theo anh Quý, những ngày nắng nóng, anh thường bắt đầu công việc từ 6 giờ – 10 giờ 30; chiều bắt đầu từ 15 giờ – 19 giờ. “Ở ngoài công trình, nắng nóng rất mệt nhọc, về lán nóng cũng không chịu được. Có quạt nhưng tôi không dám bật, vì bật lên cũng chỉ thổi hơi nóng vào thôi. Nắng nóng quá, tôi phải trải chiếu chui xuống gầm giường xem điện thoại cho hết buổi trưa. Nóng không dùng từ gì có thể tả được. Ấy vậy nhưng khi vợ con gọi điện, tôi không dám chia sẻ khó khăn vì sợ mọi người lo lắng”, anh Quý nói.
Khỏe mạnh còn không chịu nổi, huống chi có bệnh
Tại “xóm chạy thận” ngõ 121 đường Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) hiện có 121 bệnh nhân sinh sống. Nhiều bệnh nhân ở đây cố bám trụ thủ đô bằng những công việc như bán trà đá, bán cháo…, vừa làm việc, vừa chữa bệnh.
Chị Đặng Thị Xiêm (28 tuổi, quê Nam Định) chia sẻ, sống ở “xóm chạy thận” 7 năm nay, thời tiết nóng bức của Hà Nội vẫn là nỗi khiếp sợ đối với chị. Nhiều hôm nắng nóng, ở nhà không ngủ được, chị đành tranh thủ chợp mắt ở bệnh viện sau khi chữa bệnh. Nói về kinh nghiệm chống nóng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt, chị Xiêm cho biết trong phòng luôn có sẵn chậu nước và khăn, ngoài ra chị còn mua thêm máy phun sương để phòng được mát hơn. “Những ngày Hà Nội nóng 38 – 39 độ C, để nằm nghỉ được trong phòng, cứ 15 – 30 phút tôi lại phải dậy lau người 1 lần; ngoài ra còn dùng nước hắt vào mái và tường của phòng trọ để giảm nhiệt độ”, chị Xiêm nói.
Cách phòng chị Xiêm không xa là căn phòng của bà Vũ Thị Ngát (67 tuổi, quê Nam Định). Cách đây 8 năm, bà từ quê lên Hà Nội chăm chồng bị bệnh và thuê một căn phòng nhỏ, sống tạm qua ngày ở “xóm chạy thận”. Gần đây, người con trai cả cũng tranh thủ phụ mẹ chăm sóc bố. Trong căn phòng vỏn vẹn chưa đầy 10 m2, 3 người chật vật chống chọi với nắng nóng. Bà Ngát cho biết do phòng nhỏ, 3 người ở nên rất bí bách. “Thời tiết này đúng là cực hình, tôi đang khỏe mạnh mà không thể chịu nổi, huống chi là những người có bệnh”, bà Ngát nói.
Ông Mai Anh Tuấn (47 tuổi, quê H.Ba Vì, Hà Nội), vốn được coi là trưởng xóm, cho biết “xóm chạy thận” có 121 bệnh nhân, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. “Mùa nắng nóng là ám ảnh đối với xóm trọ của chúng tôi, ở trong phòng thì không khác gì cái lò, nhiều người tối đến không ngủ được đành phải ra ngoài nói chuyện cả đêm”, ông Tuấn nói.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi, nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi rút…). Bên cạnh đó, việc không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm là nguyên nhân gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy). Nắng nóng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút… cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng có hại đến sức khỏe của nắng nóng, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng nóng như: uống nhiều nước; mặc trang phục mát; giữ nhà cửa thông thoáng; tránh xa ánh nắng; nên ăn thức ăn, uống nước đã nấu chín; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối…
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia), cho biết đang có đợt nắng nóng diện rộng ở miền Bắc, miền Trung kéo dài nhất từ đầu năm.
Ở khu vực Bắc bộ và các tỉnh miền Trung, cao điểm nắng nóng tập trung vào ngày 17 và các ngày 21 – 23.5. Trong đó, khu vực vùng núi phía tây các tỉnh miền Trung vùng từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi là vùng nắng nóng gay gắt nhất, với nhiệt độ phổ biến từ 38 – 39 độ C, có nơi trên 40 độ C. Nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng là nhiệt độ đo đạc trong lều khí tượng. Nhiệt độ cảm nhận thực tế, ngoài trời có thể chênh lệch từ 2 – 4 độ C, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.