SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia khép lại với thành tích ấn tượng của Đoàn Thể thao Việt Nam (Đoàn TTVN). Báo Giao thông trao đổi với ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32 về những thành công, những vấn đề còn tồn tại và định hướng thời gian tới.
Ông Đặng Hà Việt trong buổi trao đổi với truyền thông tại SEA Games 32. Ảnh: Bùi Lượng
Đầu tư đúng hướng
Đoàn TTVN đã xuất sắc vượt chỉ tiêu trước ngày lên đường khi giành 136 HCV và xếp thứ nhất toàn đoàn. Với tư cách Trưởng đoàn, ông có thể cho biết đâu là những điểm ông hài lòng và còn điểm gì khiến ông còn lấn cấn?
Đoàn TTVN cán đích với vị trí số 1 cùng 136 HCV, 105 HCB và 118 HCĐ có thể nói là thành tích đặc biệt xuất sắc. Tôi rất tự hào khi các VĐV của chúng ta đã nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để khẳng định vị thế của TTVN trong cộng đồng các nước Đông Nam Á.
“
Nếu chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước chắc chắn sẽ không thể tạo ra bước đột phá mới cho sự phát triển của TTVN trong tương lai.
Định hướng là sẽ phối hợp nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, nguồn lực từ các địa phương và nguồn lực từ toàn xã hội để phát triển sự nghiệp TDTT.
Vào tháng 6 tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị giao ban với các liên đoàn, hiệp hội và sau đó sẽ tổ chức Hội thảo để bàn, triển khai các giải pháp nâng cao tính tự chủ của các liên đoàn, hiệp hội.
Hướng đi như vậy nhưng muốn giải bài toán xã hội hóa thì then chốt vẫn là phải giải bài toán thành tích. Công tác đào tạo trẻ, huấn luyện phải đặc biệt chú trọng để nâng cao thành tích của TTVN trên trường quốc tế, chỉ như vậy mới thu hút được sự quan tâm, đầu tư.
Ông Đặng Hà Việt
”
Kỳ Đại hội này chủ nhà không tổ chức nhiều môn, nội dung thi đấu Olympic, nhưng với trên 50% huy chương tới từ các môn Olympic, tôi cho rằng đây là thành công lớn bởi TTVN đang có định hướng tập trung cho các môn Olympic nhằm cải thiện thành tích tại ASIAD cũng như Thế vận hội.
Nói vậy nhưng chúng ta vẫn có những tiếc nuối khi một số môn chưa hoàn thành chỉ tiêu như điền kinh, bơi; một số VĐV được kỳ vọng nhiều không giành được HCV như Lý Hoàng Nam (quần vợt), Nguyễn Thị Tâm, Nguyễn Văn Đương (boxing)…
Trước thềm SEA Games 32, cả bóng đá nam và nữ đều đặt mục tiêu bảo vệ thành công HCV nhưng chỉ đội nữ làm được. Các nữ VĐV ở nhiều môn thi đấu khác cũng áp đảo thành tích nam đồng nghiệp. Theo ông, đâu là nguyên nhân tạo ra sự phân hóa này?
Trong chiến lược phát triển thể thao, chúng ta tập trung nhiều cho VĐV nữ, đặt nhiều chỉ tiêu cho VĐV nữ. Các cô gái Việt Nam luôn bền bỉ, cần cù, chịu thương chịu khó và có sức mạnh phi thường.
Cùng đó, VĐV nữ cũng gặp nhiều khó khăn khi phải thực hiện thiên chức làm mẹ, bất tiện trong sinh hoạt. Nhưng tôi biết có nhiều nữ VĐV sau khi lập gia đình, sinh con vẫn trở lại thi đấu và đạt thành tích xuất sắc, Nguyễn Thị Huyền của môn điền kinh là ví dụ tiêu biểu.
Ngay sau SEA Games 32, ngành thể thao sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho ASIAD ra sao, thưa ông?
SEA Games đã khép lại nhưng ngành thể thao còn rất nhiều mục tiêu phía trước, trong đó trọng tâm là ASIAD diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng 10. Ngoài ra, nhiều VĐV Việt Nam cũng thi đấu vòng loại Olympic Paris 2024. Nhiệm vụ cốt lõi vẫn là rà soát chuẩn bị lực lượng tốt nhất tham gia tranh tài.
Các giải đấu đều có tính chất liên thông về công tác chuẩn bị, đối với ASIAD hay vòng loại Olympic thì SEA Games giống như bước chạy đà, cơ hội cọ xát, kiểm tra thành tích giai đoạn chứ chưa phải đỉnh cao thành tích của VĐV được nhắm tới. Điểm rơi phong độ của các VĐV này sẽ phải là ASIAD hay xa hơn là Olympic.
Theo ông, việc nhiều môn Olympic như bơi, điền kinh, judo, vật, taekwondo… giữ được vị thế tại SEA Games 32 có phải là tín hiệu tích cực, cho thấy sự đầu tư của TTVN đang đi đúng hướng?
Thành công của 16 môn thể thao cơ bản trong hệ thống thi đấu Olympic mà các VĐV Việt Nam đạt được tại Đại hội vừa qua, cho thấy TTVN đang phát triển đúng định hướng được đề ra tại Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2035.
Nhưng không phải đến kỳ SEA Games này câu chuyện đầu tư đúng hướng mới được nhắc tới. Từ khoảng 2 – 3 kỳ Đại hội gần đây, số lượng huy chương các môn Olympic của Việt Nam luôn chiếm ít nhất trên 50%.
Đặc biệt, VĐV của chúng ta chiến thắng nhiều đối thủ trực tiếp tới từ Thái Lan, Singapore, Malaysia ở các môn như điền kinh, bơi, một số môn võ.
Hướng tới hình thành nền công nghiệp thể thao
Đội tuyển đấu kiếm nam Việt Nam giành HCV nội dung kiếm liễu đồng đội SEA Games 32. Ảnh: Bùi Lượng
Từ SEA Games 33, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đã định hướng tăng cường các môn Olympic để giúp thể thao khu vực dần bắt nhịp với châu Á, thế giới. TTVN sẽ có những định hướng ra sao để tận dụng thay đổi này, đem về sự chuyển mình tích cực?
Cách duy nhất là cần tiếp tục phát huy, mạnh dạn hơn trong việc tăng đầu tư cho các môn thể thao trọng điểm và các nội dung mũi nhọn, cũng như cần có những chính sách đặc thù cho các môn thể thao này.
Mặc dù đã thi đấu thành công và giành được HCV ở các nội dung Olympic, tuy nhiên, thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với thành tích của châu lục và thế giới. Vì vậy, cần tập trung đầu tư cao cho các VĐV, HLV trọng điểm mà ngành đã xác định và tiếp tục tìm kiếm các tài năng thể thao mới trong thời gian tới đây để phấn đấu giành huy chương tại ASIAD, Olympic.
Có một thực tế là tại SEA Games, chúng ta vẫn luôn chơi tốt, thậm chí vượt trội các môn Olympic, nhưng khi tới ASIAD hay Olympic thì thành tích lại không bằng một số quốc gia khác trong khu vực, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, thưa ông?
Mỗi đấu trường đều có những đặc thù khác nhau, chúng ta luôn ở Top đầu các kỳ SEA Games nhưng nên nhớ ASIAD hay Olympic khắc nghiệt hơn, tính cạnh tranh cao hơn. Ngay tại ASIAD, nhiều môn, nhiều nội dung tập hợp các VĐV đẳng cấp cao nhất thế giới.
Chính bởi vậy, cơ hội để VĐV Việt Nam cạnh tranh huy chương là rất nhỏ. Cũng có người hỏi tại sao Singapore, Malaysia hay Thái Lan họ lại giành được nhiều huy chương Olympic, ASIAD. Tôi cho rằng, điều này xuất phát từ mức độ đầu tư của họ lớn hơn TTVN, mọi điều kiện của họ cũng tốt hơn.
Ông từng phát biểu SEA Games không phải ao làng, vậy những năm qua, kể từ thời điểm TTVN hội nhập, SEA Games có vai trò ra sao, góp phần làm thay đổi nền TTVN như thế nào?
Có thể nói, TTVN đã và đang bước trên con đường tiến lên chuyên nghiệp, bắt đầu hình thành kinh tế thể thao và hướng tới nền công nghiệp thể thao. Để có được những bước tiến như vậy, không thể phủ nhận vai trò của SEA Games.
Nhiều môn thể thao, nhiều VĐV thông qua thành tích tại các kỳ SEA Games đã nhận sự quan tâm của người hâm mộ, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, bóng đá là một ví dụ điển hình.
Bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, golf… cũng ngày một được quan tâm nhiều hơn. Ngoài ra, vinh quang ở đấu trường SEA Games cũng là động lực thôi thúc các VĐV trẻ nỗ lực vươn tới đỉnh cao, tạo ra lớp kế cận đủ sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
Cảm ơn ông!