STO – Thời gian qua, những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… khi gặp những vấn đề về pháp lý thì thường gặp khó khăn. Xuất phát từ thực trạng trên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng đã tăng cường đến nhiều địa bàn gặp khó khăn để trợ giúp pháp lý, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho người dân.
Khi được thông báo có đoàn trợ giúp pháp lý về các xã của huyện Châu Thành (Sóc Trăng), đông đảo người dân, cán bộ ấp, xã tranh thủ công việc để đến nhà văn hóa xã. Bởi tại đây, người dân, cán bộ cơ sở được các trợ giúp viên của tỉnh thông tin nhiều quy định của pháp luật. Đồng thời, trực tiếp tư vấn pháp luật theo yêu cầu của người dân về các lĩnh vực như: dân sự, hôn nhân gia đình, khiếu nại, tố cáo, đất đai…
Chị Thạch Lan Phương, ngụ ấp Chông Nô, xã An Ninh, huyện Châu Thành chia sẻ: “Có đoàn cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đến nhà văn hóa xã trợ giúp, giải đáp thắc mắc về chế độ, chính sách cùng những vấn đề liên quan đến chính sách, pháp luật của Nhà nước thì bản thân tôi và bà con nơi đây rất vui. Hy vọng, tới đây sẽ có nhiều buổi trợ giúp pháp lý như thế này nữa, để bà con chúng tôi hiểu nhiều hơn về chính sách, pháp luật. Mục đích chính của tôi đến đây là nhờ cán bộ của trung tâm giải đáp thắc mắc về việc tranh chấp đất đai của gia đình. Sau buổi truyền thông, tôi xin địa chỉ để đến trung tâm gặp trực tiếp trợ giúp viên hỗ trợ thêm”.
Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ảnh: KIM NGỌC
Cũng trong lần Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Phòng Tư pháp huyện Châu Thành tổ chức buổi trợ giúp pháp lý ở cơ sở, chúng tôi tình cờ gặp anh Tr.V. S, ngụ ấp Phú Hòa A, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành. Theo anh S., cách đây 4 năm, trong 1 lần tham gia bữa tiệc cùng những người bạn làm hồ, có chút rượu thì đôi bên lời qua tiếng lại. Tuổi trẻ háo thắng không kiềm chế bản thân nên anh S. đã gây thương tích cho người bạn nhậu chung ở cùng xóm. Anh S. can tội cố ý gây thương tích và tòa án tuyên anh S. 3 năm tù. Đồng thời, buộc anh S. phải bồi thường tiền thang thuốc, ngày công lao động cho bị hại trên 60 triệu đồng.
Nhưng gia đình bị hại chưa đồng ý với mức án đó, tiếp tục kháng án, thuê luật sư vì muốn anh S. tăng án tù, tăng mức nghĩa vụ tiền thang thuốc và ngày công lao động. Lần ra tòa thứ 2 này, qua người quen chỉ dẫn, gia đình anh S. đã tìm đến Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh để được trợ giúp pháp, vì anh S. thuộc diện hộ nghèo. Sau khi nghiên cứu hồ sơ, trợ giúp viên tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của anh S. thấy được những tình tiết có thể giảm nhẹ án và số tiền bồi thường bên bị hại. Lần xét xử thứ 2 này, anh S. được hội đồng xét xử tuyên giảm nhẹ hình phạt, số tiền bồi thường cho bị hại cũng giảm đi khá nhiều. Sau khi thực hiện xong bản án, anh S. trở về với gia đình và cùng với vợ làm ruộng, chăn nuôi lo cho các con ăn học.
Trong giai đoạn 2021 – 2030, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh triển khai chính sách trợ giúp cho người nghèo, người dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg, ngày 8/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Trong năm 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh phối hợp Ban Dân tộc, Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, phòng tư pháp cấp huyện… tổ chức 33 đợt trợ giúp pháp lý tại các xã nghèo, xã bãi ngang trên địa bàn tỉnh. Tại các buổi truyền thông, báo cáo viên phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và giới thiệu một số nội dung của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật… đến người dân. Thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương, với tinh thần trách nhiệm của trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đã tuyên truyền Luật Trợ giúp pháp lý, các chính sách của Nhà nước đến người dân, đồng thời giải đáp các vướng mắc, tư vấn pháp luật cho người dân. Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh đã tiếp nhận 79 vụ việc, trong đó thuộc hộ nghèo 3 vụ việc; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn 40 vụ việc…
Đồng chí Lương Thị Ngọc Hân – Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, đội ngũ trợ giúp viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh cùng đội ngũ cộng tác viên đã nỗ lực không ngừng trong thực hiện nhiệm vụ. Điều quan trọng nhất là hoạt động trợ giúp pháp lý đã giúp được người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số… có thêm điểm tựa tin cậy, được tiếp cận với dịch vụ pháp lý một cách thuận lợi, qua đó có điều kiện để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bản thân. Để thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, trong thời gian tới, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh tiếp tục thực hiện công tác tiếp dân tại trụ sở và trực tiếp nhận thông tin về trợ giúp pháp lý qua điện thoại theo Kế hoạch số 38/KHPH-STP-TAND, ngày 18/8/2022 của Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng. Tiếp nhận văn bản của cơ quan tiến hành tố tụng về việc cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa hoặc bảo vệ cho người được trợ giúp pháp lý; đồng thời, phân công trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định. Song song đó, chú trọng xây dựng đội ngũ trợ giúp viên giỏi nghiệp vụ, kinh nghiệm tố tụng, trách nhiệm với công tác và hướng về cơ sở, tạo niềm tin của người dân về hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí trên quan điểm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ cũng như sự hài lòng của người được trợ giúp pháp lý.
KIM NGỌC