Phạm Quang Nghị, như mọi người lính trên chiến trường, coi chuyện mình được sống như một may mắn lớn nhất trên đời. 5 năm ở chiến trường Nam bộ, cực khổ, nguy hiểm đều trải qua, từ vượt Trường Sơn 2.000 cây số đường núi cao vực thẳm, tới băng Đồng Tháp Mười hoang dại mùa nước nổi mà trực thăng luôn rà lượn trên đầu, đó cũng là những chuyến “phượt” đầy nguy hiểm chứ ạ? Bây giờ, nhiều bạn trẻ đi phượt chắc khó hình dung chúng tôi ngày chiến tranh đã đi như thế nào. Không ai gọi những chuyến đi đó là “đi phượt”, nhưng ai cũng biết, có những người bạn, người lính không bao giờ còn được cơ hội trở về từ những chuyến đi ấy.
Ði tìm một vì sao, với Phạm Quang Nghị, là tìm lại những ký ức đau buồn của chiến tranh từ quê nhà mình, đi tìm những kỷ niệm nhỏ nhoi trên đường Trường Sơn từ “câu chuyện hai miếng thịt” tới câu chuyện hai thằng lính chung nhau một hộp sữa nước, mà anh bạn lại “nhỡ mồm” uống hết của lính Nghị, chẳng chừa cho bạn chút sữa cặn nào. Những chuyện cứ nho nhỏ vui vui như vậy có rất nhiều trong quyển sách dày tới 700 trang này, nhưng đọc rất vào, vì nó thực, nó hấp dẫn, nó thu hút từ sự chân thành của người viết. Tôi nghĩ, viết văn hay làm thơ mà thiếu đi sự chân thành, thì dù anh có rồng bay phượng múa, có hô phong hoán vũ cỡ nào cũng không khiến người đọc chấp nhận đi qua hết bài thơ hay quyển tiểu thuyết của anh. Sự chân thành là phẩm chất bắt buộc đối với mọi nhà văn. Và tôi nhận rõ, Phạm Quang Nghị là người chân thành cao độ, chân thành tuyệt đối khi viết văn hay làm thơ.
Còn nhớ, ngày Phạm Quang Nghị gia nhập “lớp đào tạo nhà văn trẻ” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, do nhà văn Nguyên Hồng làm “giáo viên chủ nhiệm lớp”, tôi đã có lần lưng đeo ba lô gạch (do tôi cũng sắp đi chiến trường Nam bộ nên được cấp trên Cục Địch vận cho tự tập) đi thẳng tới lớp học này trên Quảng Bá. Ngày đó, tôi chưa quen Phạm Quang Nghị nên chỉ rủ những bạn thân của tôi cùng học lớp này đi uống bia hơi/ba hào/cốc. Ngày đó, chúng tôi mới ra trường chưa lâu, còn ngây thơ và hồn nhiên lắm.
Mãi sau này, khi tôi vào chiến trường Nam bộ được hơn 4 tháng thì đoàn “nhà văn trẻ” có Phạm Quang Nghị mới vào tới nơi. Nghị được về Ban Văn nghệ R (B2) nên tôi ít gặp, vì tôi với Lê Điệp, Vũ Ân Thy về Đài Giải phóng, trở thành những phóng viên của đài này. Chúng tôi chỉ cặm cụi viết báo, không làm văn nghệ, lại ở quá xa căn cứ của Ban Văn nghệ R, nên ít gặp nhau.
Mãi tới cuối mùa hạ năm 1972, khi “Mùa hè đỏ lửa” đã nổ ra trên khắp chiến trường miền Nam, tôi được chọn vào đoàn công tác của Ban Binh vận R đi xuống chiến trường Mỹ Tho, tôi đâu biết người bạn mà tôi mới biết tên chứ chưa quen, anh Phạm Quang Nghị, cũng được chọn vào đoàn công tác của Ban Tuyên huấn R (Trung ương Cục) đi xuống cùng chiến trường Mỹ Tho. Hai chúng tôi đi cùng một hướng, nhưng khác đoàn, nên chỉ tình cờ gặp nhau ở cuối Đồng Tháp Mười, khi chỉ còn vượt qua kênh Nguyễn Văn Tiếp là sang đất chiến trường Mỹ Tho. Đúng vào lúc đó, quân Sài Gòn mở trận càn khốc liệt bên Ấp Bắc, nên đường bị tắc. Chúng tôi phải trụ trên lộ đất Mỹ Long (còn mang tên lộ đất Trần Lệ Xuân) chờ trận càn chấm dứt mới vượt kênh Nguyễn Văn Tiếp được. Mãi sau ngày hòa bình tới mấy chục năm, khi tôi quen và chơi thân với nhà văn Nam bộ Trần Bảo Định, thì anh mới kể tôi nghe, chính trung đoàn của anh được lệnh bảo vệ vòng ngoài cho các đoàn công tác của Trung ương Cục xuống chiến trường Mỹ Tho, và đã đụng trận với trung đoàn lính Sài Gòn trên mảnh đất chiến trường Ấp Bắc đã nổi danh 10 năm trước đó (1962 – 1972). Cuộc đụng độ kéo dài nên các đoàn công tác đều bị kẹt lại trên lộ đất Mỹ Long. Vậy mà vui, vì chính trên lộ đất mọc toàn những lùm bàng (cùng họ với cây cói) này, tôi đã gặp Phạm Quang Nghị. Gặp bạn để cùng… nhịn đói suốt 3 ngày, đó là kỷ niệm thật đáng nhớ của cả tôi và Nghị. Sau khi về lại chiến khu R mùa hạ năm 1973, tôi đã viết được bài thơ dài Một người lính nói về thế hệ mình. Trong đó, có một đoạn 12 câu thơ viết về cuộc gặp nên duyên bạn bè giữa tôi và Phạm Quang Nghị:
“tôi gặp thằng bạn thân trong một chuyến bất ngờ
đêm Mỹ Long hai đứa nằm lộ đất
trải dưới trời một tấm ny-lông
nơi khi chiều B-52 bừa 3 đợt
nơi mấy năm rồi hố bom không đếm hết
nơi tôi chợt niềm mơ giản dị của mình
“chừng nào thật hòa bình
ra lộ Bốn trải ny-lông nằm một đêm cho thỏa thích”
thằng bạn tôi đăm đăm
nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước
đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được
chứa đầy một hố bom và một ngôi sao”
(trích Một người lính nói về thế hệ mình)
Ấy là khi Phạm Quang Nghị gặp tôi ở cuối Đồng Tháp Mười. Còn khi Phạm Quang Nghị đi tới với dân đang rời bỏ tạm thị trấn Bù Đốp, thì ở đó, anh lại gặp một… đàn chó đói vì bị dân chạy loạn bỏ lại. Đây phải nói là đoạn văn cực hay, vì nó thực, nó không hề là kết quả của tưởng tượng, nhưng mấy ai đã thấy được trong đời. Gặp gỡ một đàn chó đói, tìm cách cho chúng ăn một cách hết sức dè sẻn mà không để xảy ra tranh giành cắn lộn. Rồi tới lúc đội công tác rời Bù Đốp về Lộc Ninh, thì câu chuyện tới hồi cao trào. Xin trích đoạn ấy để bạn đọc thẩm văn Phạm Quang Nghị:
“Việc chúng tôi rời Bù Đốp để tới Lộc Ninh đang lúc chiến tranh có ai mà lại nghĩ ra cái chuyện đưa tiễn. Nhưng đi theo sau là cả một đàn chó bám theo. Tất cả chúng như lưu luyến tiễn chân những người đã cung cấp cho chúng chút thức ăn ít ỏi lúc chúng sắp chết đói. Tôi cũng không thể hiểu vì sao những con vật này lại có thể biết được hôm nay chúng tôi rời khỏi nơi đây. Phải chăng chúng cũng có khả năng phán đoán, thấy chúng tôi ra khỏi nhà mang theo hành trang, lưng đeo bòng, vai mang súng?
Một cuộc “tiễn chân” vô cùng độc đáo mà tôi chưa từng bắt gặp. Không phải là những người thân, đồng đội đưa chân, mà là… một bầy chó thật đông, nối nhau thành một hàng dài, chạy theo sau đưa tiễn. Liệu có ai trong đời có được một lần tiễn chân như thế? Mà xét ra chúng tôi đâu có đáng được chúng tiễn đưa cảm động đến như vậy. Những ngày vừa qua, tôi giấu đem cho chúng đôi ba chén cơm, một chút thức ăn không hẳn là dư thừa, mà là tôi đã cố ý chừa lại phần ăn để nhường cho bầy chó.
Tôi ngoái nhìn lại phía sau. Đàn chó đi theo lúc đầu hàng trăm con, về sau ít dần. Cuối cùng chỉ còn lại một con duy nhất. Nó đi cách chúng tôi vài chục bước. Tôi thấy thương con vật, bèn giơ cao nắm cơm ra hiệu, rồi bẻ ra một miếng để lại bên đường như để ban thưởng và tạm biệt con vật đáng yêu ấy. Nhưng lạ thay, khi đi ngang qua miếng cơm, dù là đang đói con chó vẫn không dừng lại để ăn. Nó chỉ ngửi một cách vội vàng rồi lại chạy theo. Tôi cảm thấy mình không tìm được ngôn từ nào để nói về những cảm xúc lạ thường để dành cho loài vật. Khi ấy tôi có một mong ước, giá như lúc này tôi ở gần căn cứ, nhất định tôi sẽ dụ nó về nuôi. Nhưng bây giờ đang là chiến tranh, nay đây mai đó. Thương mày lắm, chó ơi!”.
Đoạn văn ấy viết về một bầy chó nghĩa tình, nặng lòng biết ơn của những con vật lành hiền gặp thời buổi chiến tranh loạn lạc, đọc mà thương quá! Tôi biết, không nhà văn nào không thích câu chuyện này, nhưng phải qua 2.000 cây số vượt Trường Sơn mới có cơ hội gặp được câu chuyện cảm động và lạ lùng như vậy. Cái được của người ôm ấp mộng văn chương khi xung phong đi chiến trường là ở đó. Câu chuyện nhỏ, mà cái được cho văn chương thì không hề nhỏ.
Những năm tháng Phạm Quang Nghị ở chiến trường Nam bộ, rất ít bạn bè nghĩ là anh đang tích lũy tư liệu cho những cuốn sách sau này, rất lâu sau này. Vì những năm tháng ấy, Nghị được cấp trên tín nhiệm làm những việc khác, cũng là viết nhưng không phải viết văn. Chắc cấp trên anh hồi đó cũng không nghĩ Phạm Quang Nghị sẽ là nhà văn sau này, khi cuộc chiến tranh đã lùi sâu tới hơn 40 năm.
Nhưng chúng ta đã có Phạm Quang Nghị – nhà văn, theo đúng nghĩa của danh xưng này. Sau chiến tranh tới hơn 40 năm. Sau những vị trí những công việc chính trị quan chức mà Nghị đã làm. Khi không còn ai nhớ Phạm Quang Nghị đã từng được đào tạo tại trại bồi dưỡng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam để đi chiến trường. Sự thú vị bất ngờ là ở chỗ đó.
Ai cũng biết chiến tranh là tàn khốc. Nhưng không nhiều người biết, chiến tranh cũng đào tạo nên những nhà thơ, nhà văn không đến nỗi nào. Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo… và bây giờ là Phạm Quang Nghị. Xin chúc mừng người bạn từng nhịn đói ba ngày ròng rã cùng tôi trên lộ đất Mỹ Long năm 1972. Chúc mừng người bạn đã được cả một đàn chó đói khát hàng trăm con đưa tiễn khi bạn rời Bù Đốp.
Và xin chúc mừng Phạm Quang Nghị đã thành một nhà văn viết về chiến tranh khi cuộc chiến chống Mỹ đã lùi xa hơn 40 năm.
Tôi nhớ, khi đang là Bí thư Hà Nội, Phạm Quang Nghị đã từng đi Mỹ để gặp gỡ hai người cựu binh Mỹ đang hết lòng ủng hộ Việt Nam. Đó là Thượng nghị sĩ John McCain và Thượng nghị sĩ John Kerry. Anh Nghị nói với tôi, anh không thích đi nước ngoài khi đương chức, nhưng chỉ đi khi có việc cần và được phân công đi. Nhưng anh rất ấn tượng với chuyến đi Mỹ gặp hai Thượng nghị sĩ hết lòng ủng hộ Việt Nam, để kết nối tình hữu nghị giữa những người từng tham gia chiến tranh ở hai chiến tuyến đối lập, và sau chiến tranh đã thành những người bạn chân tình.
“Ði tìm một vì sao” là câu chuyện của một người từng tham gia chiến tranh. Vì sao ấy, vào những năm qua tuổi nghỉ hưu, anh đã tìm được.