Hoàng Phương Linh có hành trình du học không êm ái, làm thêm 80 tiếng một tuần suốt kỳ thực tập để có thêm tiền đóng học phí, nhưng đã có kết quả rực rỡ cuối kỳ.
Phương Linh, 22 tuổi, tốt nghiệp thủ khoa ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Quản lý nhà hàng khách sạn quốc tế (Blue Mountains International Hotel Management). Cô cũng là người duy nhất nhận giải thưởng cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc nhất khóa.
Sau tốt nghiệp, Linh hiện là chuyên gia rượu vang tại một nhà hàng cao cấp ở thành phố Sydney, xuất bản cuốn “Gen Z tập lớn” hồi tháng 2 và có kênh podcast cùng tên với 1,2 triệu lượt nghe.
Trước khi đạt được thành quả này, Linh từng trải qua hành trình du học nhiều chông gai, vất vả.
Xác định du học từ cấp hai nên suốt những năm ở trường liên cấp Nguyễn Siêu, Linh cố gắng duy trì điểm trung bình học tập cao, từ 9,6 trở lên. Năm lớp 11, cô giành học bổng và chuyển sang một trường quốc tế tại Hà Nội. Với điểm các năm học xuất sắc, Linh đặt mục tiêu giành học bổng toàn phần du học Mỹ, chọn một ngành học thuật và không phải vất vả làm thêm kiếm tiền.
Nhưng sau khi chị gái sang Australia định cư, Linh rẽ hướng tìm hiểu các đại học ở nước này. Vì gia đình không có điều kiện, Linh nhắm tới các trường cho học sớm, tốt nghiệp sớm và có thể kiếm tiền trong thời gian thực tập để chi trả tiền học. Trong một lần đi hội thảo du học, cô biết đến ngành Quản trị khách sạn của Blue Mountains International Hotel Management School – trường nổi tiếng về ngành này ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Linh ấn tượng vì trường xây dựng với mô hình khu nghỉ dưỡng, sinh viên sống trong trường và hàng ngày phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về trang phục, đầu tóc khi ra khỏi phòng.
“Tôi muốn được sống trong môi trường chuyên nghiệp như vậy. Đặc biệt, ngành này chỉ học trong 2,5 năm”, Linh kể.
Ngoài ra, trường nhận học sinh sau khi hết lớp 11, thay vì hết lớp 12 như bình thường. Linh cũng được trường cấp học bổng mức cao nhất 5.000 AUD (hơn 77 triệu đồng) cho sinh viên quốc tế, nhờ thành tích học tập và IELTS 7.5. Còn lại, gia đình Linh phải đóng 100.000 AUD (trên 1,5 tỷ đồng) gồm học phí và sinh hoạt phí.
Bà Phan Thị Kim Thủy, mẹ Linh, quyết định vay mượn cho con đi. Bà Thủy nói vì không biết ngoại ngữ nên từng mất nhiều cơ hội nghề nghiệp. Vì thế, dù không dư giả, bà vẫn cố gắng đầu tư cho con học song ngữ từ sớm để có nền tảng tiếng Anh tốt.
“Nhiều người nói tôi đua đòi, không có tiền mà vẫn cho con du học nhưng tôi chỉ làm điều tốt nhất cho con”, bà Thủy cho hay.
Linh sang Australia năm 2018, sau khi học xong lớp 11. Sau một kỳ dự bị, cô được vào học chính thức khi tròn 18 tuổi. Hồi còn ở Việt Nam, Linh quen sống tự lập vì bố mẹ thường xuyên xa nhà. Nhờ đó, cô thích nghi nhanh với cuộc sống du học.
Do chưa quen với giọng tiếng Anh Australia nên khoảng 6 tháng đầu, Linh gặp khó khăn với việc nghe hiểu. Thời gian đó, ngày nào cô cũng lên thư viện mượn sách tiếng Anh về đọc; xem video trên YouTube để quen hơn với ngôn ngữ bản địa.
Chương trình học gồm môn lý thuyết và thực hành ở các bộ phận khác nhau trong khách sạn. Linh dễ dàng vượt qua các môn học thuật nhưng sợ môn thực hành vì không quen làm công việc dọn dẹp. Năm đầu tiên, sinh viên học thực hành ẩm thực, được yêu cầu làm tất cả vị trí trong bếp và phục vụ trong nhà hàng cao cấp. Sang năm thứ hai, Linh được đào tạo về cách hoạt động của bộ phận buồng phòng, học trải ga, gấp chăn, cọ nhà tắm, toilet.
Linh cho hay việc dọn phòng cũng có quy trình, trung bình trong khoảng 30 phút và luôn bắt đầu với việc dọn giường trước. Sau khi lau bàn, cửa sổ, cô tiếp tục cọ nhà tắm, dọn rác, việc hút bụi cuối cùng để tránh làm bẩn phòng.
Theo Linh, khâu dọn giường khó nhất và được chấm điểm khắt khe đến từng góc gấp. Để làm thành thạo, cô phải mượn ga về tự học. Cuối kỳ thực hành, Linh giành giải thưởng cho học sinh xuất sắc.
Suốt 6 tháng thực tập tại nhà hàng, cuộc sống của Linh chỉ quanh quẩn từ nhà đến chỗ làm việc. Ngoài công việc chính 5 ngày trong tuần, Linh còn tranh thủ làm thêm ở ba nhà hàng khác nhau để có tiền đóng học. Trung bình mỗi tuần, cô làm 80 tiếng. Nhiều hôm Linh chỉ được ngủ 4 tiếng, sau đó phải dậy đi làm 14 tiếng. Nhiều lần về phòng, nằm trên giường, cô không cảm nhận được cơ thể của mình.
“Nếu không đi làm, tôi không có tiền đóng học. Tôi đã hứa hỗ trợ mẹ đóng học phí nên không thể thất hứa. Thực tại là động lực duy nhất giúp tôi vượt qua mệt mỏi”, Linh kể, cho biết giấu người thân về chuyện đi làm nhiều.
Có thời gian rảnh, thay vì đi chơi với bạn bè, Linh cố gắng nghỉ ngơi, nạp năng lượng để có thể quay lại guồng công việc. Kết thúc thực tập, Linh kiếm được 40.000 AUD, đủ tiền học cho kỳ sau. Sau học kỳ đó, Linh có thể tự chủ được cuộc sống nhờ nhận học bổng làm trợ giảng cho sinh viên năm thứ nhất bộ môn Ẩm thực và Đồ uống; được chọn đi làm cho khu nghỉ dưỡng của trường. Cô cũng nhận thư khen từ hiệu trưởng về thành tích học tập xuất sắc trong mọi kỳ học tại trường.
Tháng 4 năm ngoái, bà Thủy sang Australia dự lễ tốt nghiệp của con gái. Thông tin về thủ khoa được trường giữ bí mật đến phút cuối cùng. Sau khi nhận bằng, Linh được mời lên một vị trí đặc biệt dành cho người đạt phần thưởng cao nhất. Nghe tên con được xướng lên, dưới hàng ghế khán giả, bà Thủy bất ngờ và hạnh phúc.
“Đến giờ tôi vẫn rất xúc động”, bà Thủy chia sẻ.
Bà không hay biết Linh làm bốn công việc cho tới khi hết kỳ thực tập. Nghe Linh kể có những ngày không đi nổi về tới nhà, bà khóc thương con.
“Linh quyết đoán. Khi định làm gì, con sẽ đề ra kế hoạch, có deadline và quyết tâm thực hiện. Tôi luôn yên tâm ở con”, bà Thủy nói.
Nhận được tin, cô Phạm Thị Ngọc Diệp, giáo viên chủ nhiệm cũ của Linh ở trường Nguyễn Siêu, tự hào với thành công của học trò. Theo cô Diệp, Linh có lực học toàn diện, tự lập và có đầu óc tổ chức. Không chỉ học giỏi, Linh còn yêu thích các hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa.
“Linh tình cảm và khá mơ mộng nhưng biết xây dựng mục tiêu và chia nhỏ để hoàn thành. Thành quả này xứng đáng”, cô Diệp nhận xét.
Với Linh, trở thành thủ khoa là minh chứng cho việc cô đã vượt qua được khó khăn về tài chính và cuộc sống để cân bằng được việc học lẫn mưu sinh. Cô chưa từng nghĩ sẽ xuất bản sách nhưng sau khi phát triển kênh Podcast “Gen Z tập lớn”, một nhà xuất bản đã đề nghị cô viết thành sách.
“Tôi đã sống một cuộc đời thăng, trầm để khi nhìn lại thấy hành trình đã đi qua đủ ý nghĩa với bản thân và có thể truyền cảm hứng cho ai đó. Vì thế, tôi nhận lời mời”, Linh cho hay.
Cuốn sách được viết trong 4 tháng và xuất bản 2.000 cuốn. Ngoài sách và kênh YouTube với 60.000 lượt theo dõi, Linh còn phát triển Instagram và viết blog về ngành nhà hàng, ẩm thực, với mong muốn chia sẻ kiến thức.
Sau khi tốt nghiệp, cô muốn tự học thêm một ngành khác và dự định bắt đầu dịch vụ tư vấn giúp các nhà hàng ở Việt Nam.
“Tôi sẽ khám phá mảng chưa bao giờ được trải nghiệm, biết đâu sẽ tìm thấy hứng thú. Thất bại để biết lĩnh vực đó không dành cho mình còn hơn sau này nuối tiếc vì không thử”, Linh nói.
Bình Minh