Để hiểu hơn về công tác giảm nghèo nhờ vào phát triển kinh tế từ rừng, chúng tôi có buổi trao đổi với ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng( Lào Cai) xung quanh vấn đề này.
Pv: Thưa ông, thời gian qua huyện Bảo thắng, tỉnh Lào Cai đã triển khai những giải pháp, cơ chế hỗ trợ nào để bảo vệ và phát triển rừng nâng cao thu nhập, tạo sinh kế giúp người dân an tâm gắn bó với rừng?
Ông Ngô Minh Quế: Huyện Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, chủ yếu diện tích quy hoạch cho phát triển rừng sản xuất là đồi đất. Hiện huyện có trên 37.000ha rừng, trong đó diện tích rừng trồng 25.000 ha. Người dân có kinh nghiệm trong phát triển rừng. Đây là lợi thế trong phát triển kinh tế đồi rừng trên địa bàn huyện theo tinh thần Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban thường vụ tỉnh Lào Cai.
Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Ban thường vụ tỉnh ủy; kế hoạch của UBND tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa: Huyện Bảo Thắng tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2022-2025; giao nhiệm vụ cho Phòng NN và PTNT, Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện:
Hướng dẫn, tuyên truyền chủ nguồn giống chăm sóc, bảo vệ tốt diện tích rừng giống đã được cấp có thẩm quyền công nhận Quản lý chặt chẽ cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp đảm bảo 100% giống sản xuất có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng, được cấp có thẩm quyền công nhận.
Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nhân dân trồng lại rừng sau khai thác; chuyển đổi diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng rừng gỗ lớn, trồng cây đa mục đích phát triển kinh tế; cây giống đưa vào trồng rừng có xuất xứ rõ ràng, đủ tiêu chuẩn; Hướng dẫn nhân dân chăm sóc rừng, phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng.
Chỉ đạo thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đúng đối tượng, đủ diện tích. Năm 2022, đã thực hiện giải ngân 2,6 tỷ đồng đối với diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ, UBND cấp xã, hộ gia đình cá nhân quản lý
Thực hiện phát triển cơ sở chế biến lâm sản theo đúng quy hoạch giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt. Kêu gọi, chuẩn bị mặt bằng sạch tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng Nhà máy; khuyến khích đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến sâu: như công ty Quế hồi Việt Nam xây dựng Nhà máy tại xã Phong Niên. Trong thời gian tới tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến sâu về tinh dầu Quế, ván dán…giải quyết việc làm cho người dân tại địa phương giúp giảm nghèo.
PV: Được biết, một trong những giải pháp quan trọng trong bảo vệ, phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững là phát triển kinh tế rừng, xin ông cho biết rõ hơn về công tác này.
Ông Ngô Minh Quế: Những năm qua, nhờ phát triển kinh tế rừng mà tỷ lệ hộ nghèo của Bảo thắng chỉ còn 3%, tỷ lệ độ che phủ rừng hằng năm của huyện tăng lên, môi trường rừng không ngừng được cải thiện, người lao động có thu nhập ổn định từ kinh tế rừng. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện Bảo Thắng, diện tích trồng rừng sản xuất tăng từ 600 – 800 ha; độ che phủ của rừng tăng trung bình từ 0,6-1,0%.
Đến hết năm 2022, độ che phủ rừng toàn huyện đạt trên 63%. Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt khoảng 13.000 m3/năm, cung cấp nguyên liệu phong phú như ván thanh, ván bóc, cốp pha, đồ mộc,… phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Theo định hướng của huyện, các tập thể, hộ gia đình, cá nhân lựa chọn cây trồng vừa có chu kỳ phát triển ngắn vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao như mỡ, quế, bồ đề, sưa cùng một số loài đa tác dụng như cây cao su.
Chính sách giao đất, giao rừng đã được triển khai đồng bộ trên tinh thần mỗi người dân là một chủ thể phát triển kinh tế rừng. Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Đã có nhiều mô hình kinh tế vườn rừng có giá trị kinh tế cao, tạo thêm việc làm cho người lao động, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như một số mô hình tại các xã Trì Quang, Xuân Giao, Thái Niên, Sơn Hà, Sơn Hải,.. nhờ trồng rừng kết hợp với kinh tế trang trại hay mô hình kết hợp vườn – ao –rừng cho thu nhập ổn định, tạo việc làm cho một số lao động tại địa phương. Năm 2022 bình quân thu nhập của người dân trên địa bàn huyện Bảo Thắng là 68 triệu đông/người/năm.
PV: Để tiếp tục quản lý bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế từ rừng giúp cho người dân thoát nghèo bền vững, thời gian tới huyện Bảo thắng sẽ tiếp tục triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa ông?
Ông Ngô Minh Quế: Chúng tôi luôn xác định quản lý bảo vệ và phát triển rừng phát triển kinh tế gắn với rừng giúp người dân vươn lên thoát nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện. Do vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền người dân tích cực tham gia bảo vệ và trồng rừng. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các đơn vị, ngành chức năng, lực lượng công an, biên phòng trên địa bàn, kiên quyết không để xảy ra vụ việc vi phạm gây thiệt hại tài nguyên rừng. Tăng cường trách nhiệm của các đơn vị nhận khoán, hộ giữ rừng trong công tác tuần tra, kiểm soát địa bàn, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm trên địa bàn quản lý.
Cùng với việc đẩy mạnh trồng và chăm sóc rừng, huyện Bảo Thắng sẽ tăng cường công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến tận người dân và các chủ rừng bằng nhiều hình thức như: Phát tờ rơi, treo pa nô, áp phích; tổ chức cho nhân dân tham gia diễn tập phòng cháy, chữa cháy rừng; xây dựng quy ước, hương ước bảo vệ rừng, ký cam kết các hộ gia đình không chặt phá rừng làm nương. Để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ rừng.
Đẩy mạnh triển khai đồng bộ Chính sách giao đất, giao rừng trên tinh thần mỗi người dân là một chủ thể phát triển kinh tế rừng. Giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài đã thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn huyện tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế rừng gắn với chế biến lâm sản sẽ tạo điều kiện giải quyết cho thuê đất, cấp phép hoạt động, quy hoạch vùng nguyên liệu.Tạo điều kiện cho Nhà máy chế biến lâm sản Xuân Giao và 75 cơ sở chế biến lâm sản vừa và nhỏ trên địa bàn huyện phát triển sản xuất để tiêu thụ lâm sản cho nhân dân. Tập trung giải quyết những vướng mắc liên quan đến chính sách hỗ trợ cho nhân dân trong việc trồng rừng sau đầu tư, chính sách hưởng lợi lâm sản cho hộ gia đình trồng, chăm sóc và nhận khoán bảo vệ rừng.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ chủ động đề xuất các chính sách chăm lo, tạo điều kiện nâng cao đời sống của các hộ gia đình giữ rừng để các hộ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị cần thiết phục vụ công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng.
Xin trân trọng cám ơn ông!