(BLC) – Tọa lạc bên bờ sông Đà hùng vĩ, đền thờ vua Lê Thái Tổ là nơi lưu giữ bảo vật Bia vua Lê Thái Tổ (Bia Cổ Hoài Lai) là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình khám phá huyện Nậm Nhùn.
Cách trung tâm thành phố Lai Châu hơn 100km, đền thờ vua Lê Thái Tổ – nơi lưu giữ bảo vật quốc gia Bia vua Lê Thái Tổ là công trình văn hóa mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh của huyện Nậm Nhùn nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Đây là nơi để mỗi người dân và du khách thập phương tham quan, tưởng nhớ đến công lao của vua Lê Thái Tổ cùng nghĩa quân Lam Sơn trong cuộc chiến gian khổ đánh đuổi giặc Minh bảo vệ bờ cõi (năm 1418 – 1428).
Đã gần 600 năm kể từ ngày bia đá được khắc, cho đến nay, lịch sử vẫn còn ghi chép lại: “Năm 1431, tù trưởng Đèo Cát Hãn làm phản, liên kết với Kha Đốn, quấy nhiễu nơi biên ải, đánh chiếm vùng đất Mường Muỗi (nay thuộc huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La)”. Vua Lê Thái Tổ đã thân chinh đem quân lên bình định vùng Tây Bắc, đến tháng chạp năm Tân Hợi 1431, trên đường trở về qua địa phận xã Lê Lợi (huyện Nậm Nhùn hiện nay), để răn dạy các tù trưởng cai quản nơi biên cương của Tổ quốc, vua Lê Thái Tổ đã cho khắc vào vách đá bài văn ghi nhớ sự kiện này.
Tháng chạp năm Tân Hợi (năm 1431), vua Lê Thái Tổ đã cho tạc khắc Bia Cổ Hoài Lai vào vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau. Nội dung trên văn bia có câu “Tiếng gió thổi hạc kêu làm cho quân giặc run sợ/Sông núi từ nay nhập vào bản đồ/Đề thơ khắc vào núi đá/Trấn giữ phía Tây nước Việt ta/Ngày lành tháng chạp năm Tân Hợi (1431).”
Bảo vật quốc gia Bia vua Lê Thái Tổ.
Văn bia được khắc trên vách đá Pú Huổi Chỏ bên bờ Bắc sông Đà để lưu lại cho muôn đời sau. Toàn văn bia được tạc khắc bằng chữ Hán, tạc trong khuôn khổ hình chữ nhật có kích thước 1,4m x 0,8m, viết theo chữ khải chân gồm 132 chữ. Bia Vua Lê Thái Tổ được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch công bố Quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia từ ngày 2/9/1981, đến cuối năm 2016, văn bia được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Năm 2012, thực hiện việc xây dựng Nhà máy Thủy điện Sơn La, để bảo tồn nguyên vẹn bút tích của vua Lê Thái Tổ, phần văn bia đã được khoan cắt ra khỏi vách đá Pú Huổi Chỏ thành khối đá lớn có kích thước dài 2,62m, rộng 1,13m, cao 1,85m, trọng lượng trên 15 tấn, sau đó được di chuyển đến vị trí hiện nay. Bảo vật quốc gia Bia Vua Lê Thái Tổ hiện nằm trong khuôn viên đền thờ vua Lê Thái Tổ tọa lạc trên một ngọn đồi cao soi mình xuống dòng sông Đà theo thế “sơn chầu, thuỷ tụ”.
Theo chia sẻ của ông Hà Văn Ruệ – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Nậm Nhùn: “Huyện đang tập trung triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch theo chuỗi bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc gắn với di tích lịch sử, tâm linh; du lịch khám phá, trải nghiệm. Trong đó, đền thờ vua Lê Thái Tổ nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia là một trong những điểm nhấn quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của địa phương”.
Lễ rước kiệu tại Lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ.
Cùng với việc tôn tạo cảnh quan khuôn viên đền thờ, tăng cường quảng bá giới thiệu tới du khách trong và ngoài tỉnh; việc phục dựng lễ hội đền thờ vua Lê Thái Tổ với nhiều nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa, tâm linh đang được huyện Nậm Nhùn triển khai thực hiện để quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của địa phương.
Đền thờ vua Lê Thái Tổ – nơi lưu giữ Bảo vật quốc gia Bia vua Lê Thái Tổ là nơi linh thiêng, ghi chép lại một trang lịch sử hào hùng; khơi dậy và nêu cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc hào hùng của dân tộc. Nơi tôn vinh anh hùng dân tộc Lê Lợi, các tướng sỹ và Nhân dân có công lao đóng góp trong lịch sử dựng nước và giữ nước; góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của huyện Nậm Nhùn với du khách trong và ngoài tỉnh.