Mùa Hè đã đến. Mong muốn con trẻ hạn chế với mạng xã hội, nhiều bậc phụ huynh lựa chọn hình thức đọc sách cùng con. Hoạt động này không những giúp trẻ có thêm sự hiểu biết, mà còn tăng cường sự gắn kết tình cảm giữa hai bên.
Tuy vậy, trải nghiệm này sẽ giảm đi sự thú vị nếu chúng ta vô tình mắc một số sai lầm sau đây:
Áp đặt cuốn sách cho con
Vì cho rằng con trẻ chưa đủ kỹ năng chọn lựa sách đọc phù hợp, nhiều phụ huynh ép con phải đọc cuốn sách mà mình đề nghị. Cũng tương tự như việc phụ huynh áp đặt trang phục, kiểu tóc, giày dép… Đây là hành động dễ tạo ra xung đột giữa hai bên, khiến cho hoạt động đọc sách của con trẻ bị ảnh hưởng.
Mang tâm thế bị ép buộc, trẻ đến với cuốn sách trong trạng thái bị động, bức bối. Từ đó, hiệu quả tiếp nhận nội dung của cuốn sách không cao.
Đọc sách cùng trẻ là một nghệ thuật. Người đọc sách cùng trẻ cũng là nghệ sĩ. (Nguồn: 24h) |
Để giải quyết vấn đề này, trước hết, phụ huynh hãy tôn trọng quyền được chọn lựa đầu sách của trẻ. Chỉ cần trẻ chịu đọc sách, đã là thành quả nhất định. Phụ huynh hãy gợi ý trẻ chia sẻ cảm nhận về cuốn sách mà trẻ vừa đọc.
Như vậy, thay vì giới thiệu với trẻ cuốn sách mà phụ huynh muốn trẻ đọc, hãy làm ngược lại. Điều này tạo cho trẻ cảm giác tự tin, thoải mái, trẻ thấy mình được tôn trọng, làm được điều có giá trị; ngoài ra, còn giúp trẻ rèn luyện khả năng trình bày.
Sau đó, khi hai bên đã có được không gian cởi mở, phụ huynh có thể khéo léo gợi ý cho trẻ về cuốn sách mà phụ huynh muốn giới thiệu.
Với cách làm cùng nhau chia sẻ, cùng nhau tôn trọng này, phụ huynh cũng phần nào hiểu được nhu cầu đọc của trẻ, để có những thông tin phù hợp, giúp xây dựng hành trình đọc của trẻ.
Khiến trẻ mất tự tin khi đọc
Do nôn nóng hy vọng trẻ đọc tốt, nhiều phụ huynh tỏ ra căng thẳng khi đọc cùng con. Những lúc con đọc vấp chữ, đọc sai chính tả… phụ huynh thường ngay lập tức chỉnh sửa. Điều này vô tình tạo nên áp lực cho trẻ, khiến trẻ mất tự tin với việc đọc.
Có phụ huynh khi hỏi lại nội dung quyển sách cũ đã cùng đọc hôm trước, thấy con không nhớ, bỏ sót nhiều chi tiết, liền phàn nàn hoặc trêu chọc trẻ một cách quá đà. Tình huống này không chỉ làm cho trẻ bối rối, mắc cỡ ngượng ngùng, mà lâu dần có thể dẫn đến tâm lý tự ti với việc đọc.
Cũng như các hoạt động khác, việc đọc của trẻ cần được sự cổ vũ kịp thời của phụ huynh. Chúng ta hãy sẵn sàng khen ngợi trẻ khi trẻ đọc tốt, và cũng sẵn sàng động viên khích lệ khi trẻ đọc chưa tốt.
Chúng ta phải giúp trẻ cảm thấy đọc sách cùng phụ huynh là một hành trình cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, chứ không phải là khoảng thời gian nghẹt thở với những bí bách, giám sát và thúc ép.
Can thiệp quá sâu vào quá trình đọc của trẻ
“Con phải đánh dấu lại những chỗ quan trọng chứ”. “Con cần ghi chú lại những ý hay, những câu hay để sau này dùng lại”. “Con cần đọc từ trước ra sau, đọc lung tung như vậy, sao mà hiểu”…
Đọc sách cũng giống như lắng nghe một bản nhạc, theo dõi một bộ phim. Mỗi người đều có cách riêng để thưởng thức. Nếu trong quá trình đọc sách, trẻ liên tục bị phụ huynh “làm phiền” bởi những lời nhắc nhở, hẳn sẽ rất khó để tập trung và khó có cảm tình, cảm hứng với việc đọc sách.
Thứ nhất, phụ huynh đừng quá câu nệ trẻ đọc ra sao. Mỗi trẻ có cách riêng để tri nhận. Hãy luôn tôn trọng trẻ, trong cả cách đọc sách.
Thứ hai, nếu cảm thấy phương pháp đọc sách của trẻ thật sự không có hiệu quả như dự kiến; thay vì liên tục nhắc nhở, hãy khéo léo chia sẻ vào thời gian và không gian thích hợp. Những khuyến nghị chỉ thật sự có tác dụng khi được dùng đúng lúc, đúng nơi.
Biến việc đọc sách của con thành… kỳ thi
Nhiều bậc phụ huynh nôn nóng, muốn thấy rõ hiệu quả của việc đọc sách, nên tìm cách kiểm tra xem con đã tiếp thu được những gì.
Sau khi trẻ đọc xong một cuốn sách, phụ huynh đưa ra hàng loạt những câu hỏi liên quan đến quyển sách. Hình thức thi cử này, không những không thu được ích lợi như phụ huynh mong đợi, mà còn tạo ra tâm lý áp lực, khó chịu nơi con trẻ.
Đối mặt với thi cử kiểu như vậy, trẻ sẽ dần đọc sách theo kiểu ứng phó. Trẻ sẽ chỉ chú ý đến những nội dung, chi tiết mà phụ huynh hay hỏi.
Việc đọc sách giờ đây trở thành gánh nặng, như một hình thức mang tính trách nhiệm. Hãy để việc đọc trở thành khoảng thời gian thư giãn của trẻ, tương tự như việc chơi một trò chơi (game), nghe một bài hát, hay xem một bộ phim. Có như vậy, việc đọc sách mới là nguồn vui, là thế giới yêu thích của trẻ.
Đọc sách cùng trẻ là một nghệ thuật. Người đọc sách cùng trẻ cũng là nghệ sĩ. Và tất nhiên, để trở thành nghệ sĩ trong một lĩnh vực nghệ thuật, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu và kiên trì trau dồi kỹ năng. Hy vọng các bậc phụ huynh sẽ luôn có những buổi đọc sách cùng trẻ với nhiều cảm giác yêu thương và thú vị.