Ông Trần Sỹ Thanh yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp báo cáo rõ chuyện tổ chức, doanh nghiệp bắt người dân, lao động 6 tháng phải xin phiếu lý lịch tư pháp một lần.
Liên quan kiến nghị của công nhân về cắt giảm thủ tục hành chính, tư pháp tại buổi đối thoại chiều 18/5, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp Hà Nội nói rõ về tình trạng người dân xếp hàng, lao động ngược xuôi xin xác nhận lý lịch tư pháp và hướng giải quyết dứt điểm.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, cho hay từ tháng 4 số lượng người dân yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp trên địa bàn gia tăng đột biến. Nguyên nhân là học sinh làm hồ sơ đi học, sinh viên ra trường đi làm, nhiều doanh nghiệp sau dịch khởi động lại tuyển dụng lao động.
Sở Tư pháp nhận thấy một số tổ chức, doanh nghiệp lạm dụng việc sửa đổi cấp phiếu lý lịch tư pháp để có những đòi hỏi vô lý với người dân. Cụ thể, luật không quy định thời hạn giá trị của phiếu lý lịch tư pháp. Song qua kiểm tra mục đích xin xác nhận, cơ quan này phát hiện nhiều cán bộ, lao động dù đang làm việc tại doanh nghiệp nhưng sau 6 tháng vẫn bị yêu cầu cập nhật lại phiếu. Đây là một trong những lý do dẫn đến tình trạng quá tải.
Đánh giá đây là việc lạm dụng thủ tục gây phiền hà, Sở Tư pháp Hà Nội đã kiến nghị Bộ Tư pháp xin ý kiến cấp có thẩm quyền sửa quy định theo hướng nêu rõ mục đích cấp phiếu lý lịch tư pháp để không gây khó khăn cho người dân.
Sau hai lượt đối đáp liên tục hơn 10 phút, ông Thanh truy hỏi lãnh đạo Sở Tư pháp việc làm trên của các tổ chức, doanh nghiệp đã đúng luật hay không? Nếu không thì có biện pháp gì chấn chỉnh? Chủ tịch TP Hà Nội nói tổ chức, doanh nghiệp nào “đẻ” thêm thủ tục, yêu cầu lao động 6 tháng phải đi xin phiếu lý lịch tư pháp một lần là “hành dân”.
“Lấy cớ gì mà yêu cầu 6 tháng xin một lần, ai cho làm như thế? Như vậy là lạm dụng một cách vô cớ, tốn kém thời gian lẫn tiền bạc. 200.000 đồng một tờ phiếu chứ có ít đâu trong khi lương người lao động vốn đã không cao”, ông Thanh gay gắt nói, yêu cầu lãnh đạo Sở Tư pháp rà soát từng trường hợp, làm việc với doanh nghiệp, tổ chức và báo cáo lại thành phố để chấn chỉnh.
Đáp lại, Phó giám đốc Sở Tư pháp nói sẽ có văn bản yêu cầu các tổ chức, cơ quan sử dụng phiếu lý lịch tư pháp đúng mục đích, hạn chế xin không cần thiết, tránh lạm dụng. Hiện thành phố cấp phiếu lý lịch tư pháp qua ba hình thức trực tiếp, đường bưu điện và Cổng dịch vụ công quốc gia lẫn thành phố. Song thực tế, phần mềm cấp phiếu lý lịch tư pháp của TP Hà Nội đang thử nghiệm nên người dân có nhu cầu thực hiện rất khó.
Bà Hương ví dụ, nếu ở bộ phận một cửa hai cán bộ tiếp nhận được 30 hồ sơ trực tiếp thì qua phần mềm chỉ được một hồ sơ. Sau hai ngày thử nghiệm, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nâng cấp, sửa chữa để tạo thuận lợi cho công dân.
Hồi tháng 4, lượng người tới Sở Tư pháp Hà Nội xác minh lý lịch tư pháp tăng đột biến. Có thời điểm quá tải, người dân xếp hàng dài vài chục mét hoặc đợi từ 4h sáng. Nhiều lao động cho hay phải đi đến lần thứ tư với mục đích xin việc.
Nhiều tổ chức, đơn vị làm nghề dịch vụ như du lịch, vận tải 6 tháng lại cập nhật lý lịch tư pháp của người lao động để tăng độ tin cậy và an toàn cho khách hàng. Với cơ quan nhà nước, trường hợp bổ nhiệm, xin chuyển công tác từ đơn vị này sang đơn vị khác cũng đòi hỏi phải có lý lịch tư pháp. Những người làm việc cho người nước ngoài cũng cần xác minh.
Cũng trong buổi đối thoại chiều nay, công nhân kiến nghị chính quyền Hà Nội hỗ trợ giảm tối đa 15% giá điện do chi phí sinh hoạt tăng, thu nhập giảm. Ông Trần Sỹ Thanh nói sẽ ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền.
Lý lịch tư pháp thể hiện án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.
Mục đích của việc yêu cầu cấp giấy xác nhận lý lịch tư pháp là để biết một người nào đó có thuộc diện bị cấm nêu trên hay không; hoặc có bị phạt theo quy định của pháp luật hay không.
Khoản 4 Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp quy định việc quản lý lý lịch tư pháp chỉ nhằm hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã…
Võ Hải – Hồng Chiêu