Hải Dương luôn quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi, tạo đà thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đóng góp chủ lực vào giá trị sản xuất công nghiệp
Là một trong số các doanh nghiệp FDI đầu tư tại Hải Dương ngay từ thời kỳ đầu, sau gần 30 năm, Công ty TNHH Ford Việt Nam đã có nhiều thành công nổi trội và đang tiếp tục nghiên cứu mở rộng quy mô sản xuất. Nhà máy Ford tại Hải Dương được đầu tư hơn 200 triệu USD với công suất tối đa có thể đạt 40.000 xe ô tô/năm. Riêng 4 tháng đầu năm 2023, Ford Việt Nam đã bán ra 12.000 xe, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Ford Việt Nam đang tạo việc làm ổn định cho hơn 1.200 công nhân và là doanh nghiệp trọng điểm của tỉnh về nộp ngân sách nhà nước khi chiếm hơn 50% số nộp trong khối doanh nghiệp FDI.
Ông Trần Tiến Đức, Giám đốc Nhà máy Ford tại Hải Dương cho biết những năm qua được sự hỗ trợ, đồng hành của cấp ủy, chính quyền Hải Dương, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tương đối thuận lợi. Sự quan tâm kịp thời của tỉnh không chỉ giúp doanh nghiệp an tâm đầu tư mà còn là nguồn động viên, khích lệ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát.
Dù mới đầu tư tại Hải Dương từ năm 2019 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1.700 tỷ đồng nhưng đến nay Công ty TNHH Sản phẩm giấy Leo Việt Nam ở khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (TP Hải Dương) đã đưa 6 nhà xưởng vào hoạt động. Doanh nghiệp duy trì việc làm cho 2.250 công nhân, mức thu nhập bình quân hơn 9 triệu đồng/người/tháng. Từ khi đi vào sản xuất đến nay, công ty đã nộp gần 17.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động xã hội, nhân đạo tại địa phương. Đơn vị đã ủng hộ 600 triệu đồng cho Hải Dương chống dịch Covid-19, ủng hộ học sinh vùng cao, chia sẻ với người dân miền Trung chịu ảnh hưởng của lũ lụt… Ông Gu Bao Hong, Tổng Giám đốc công ty bày tỏ ấn tượng với ưu thế nổi trội là vị trí địa lý thuận lợi và nguồn lao động dồi dào của Hải Dương. Đây chính là lợi thế để tỉnh ghi điểm trong mắt các nhà đầu tư.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, toàn tỉnh có gần 500 dự án FDI đến từ 26 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký 9,3 tỷ USD. Thu hút vốn FDI của Hải Dương đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng, thứ 11 cả nước. Ngành, lĩnh vực đầu tư chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 94% vốn đăng ký, còn lại là dịch vụ và nông nghiệp. Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 40% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Nhật Bản chiếm 16,3%, Hàn Quốc chiếm 15,4%…
Những năm gần đây, vốn FDI chiếm từ 35-40% trong cơ cấu vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh. Hiện doanh nghiệp FDI đóng góp hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp tại Hải Dương, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với lợi thế về vốn, công nghệ, kỹ thuật, doanh nghiệp FDI đi đầu trong xuất khẩu, hội nhập quốc tế. Đồng thời tạo việc làm cho hơn 220.000 lao động trực tiếp và hàng nghìn lao động gián tiếp, góp phần ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong quá trình hoạt động, mặc dù còn gặp khá nhiều khó khăn nhưng doanh nghiệp FDI luôn chung tay cùng tỉnh chăm lo cho cộng đồng, xã hội.
Lắng nghe để tháo gỡ kịp thời vướng mắc
Xác định vai trò của doanh nghiệp FDI đối với sự phát triển của tỉnh, những năm qua Hải Dương luôn lắng nghe, đồng hành để thấu hiểu khó khăn, chia sẻ cùng nhà đầu tư. Ngoài khẩn trương xử lý kiến nghị của doanh nghiệp, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chỉ số cạnh tranh, định kỳ hằng năm, Hải Dương đều tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại với các doanh nghiệp FDI. Trên cơ sở những đề xuất của doanh nghiệp, tỉnh có những giải pháp tháo gỡ đúng trọng tâm, trọng điểm để hài hoà lợi ích cho các bên.
Ông Kurihara Kiyokazu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam rất hoan nghênh cách làm của Hải Dương khi tổ chức buổi đối thoại, gặp gỡ để chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Đây là cách làm thiết thực, hiệu quả để tỉnh và doanh nghiệp có được tiếng nói chung, đồng hành cùng phát triển. “Thời gian tới tỉnh cần đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng sự phát triển của công nghệ số, đầu tư các tiện ích gắn liền với khu công nghiệp nhằm tạo ưu thế sẵn có để thu hút doanh nghiệp và mở rộng đầu tư”, ông Kurihara Kiyokazu đề xuất.
Với phương châm “cấp ủy, chính quyền phục vụ nhân dân và đồng hành với doanh nghiệp”, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025. Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, để tỉnh trở thành “miền đất hứa” với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, với chức năng, nhiệm vụ được giao, sở đã đề xuất với tỉnh các giải pháp liên quan đến cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, quy hoạch, đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp và đạo đức công vụ. Việc thực hiện cải cách hành chính thực chất, hiệu quả, bền vững được đặt lên hàng đầu. Tiếp đến là nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai các quy hoạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu. Coi các công trình đầu tư công là yếu tố dẫn dắt, chất xúc tác để thu hút đầu tư cũng như đáp ứng các nhu cầu của doanh nghiệp. Chú trọng tới yếu tố con người, tăng cường giám sát việc thực thi công vụ, nhất là ở vị trí nhạy cảm; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm gây phiền hà, sách nhiễu doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, sáng 18.5, UBND tỉnh tổ chức gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp FDI. Khác với năm trước khi tỉnh tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp FDI theo từng nước thì lần này sẽ là cuộc trao đổi chung với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn. |