Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-6-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 16-7-2021 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU về đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức quán triệt, nâng cao trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên rà soát tham mưu cho UBND tỉnh công bố đầy đủ danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết; triển khai toàn diện, đồng bộ, kịp thời công tác CCHC, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC so với yêu cầu; nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, tập trung tham mưu cho UBND tỉnh huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông theo quy hoạch; đảm bảo khoa học, bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và kết nối vùng kinh tế.
Thi công dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh. |
Theo đồng chí Đinh Xuân Hùng, Giám đốc Sở GTVT: Để góp phần thúc đẩy xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh, Sở GTVT xác định 2 nhiệm vụ trọng tâm ngành cần tập trung là công tác CCHC và nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho tỉnh tập trung phát triển hạ tầng GTVT đồng bộ, hiện đại, kết nối với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và với các tỉnh trong vùng biển, ven biển phía Bắc để nâng cao năng lực cạnh tranh, khắc phục các bất lợi về vị trí địa lý. Trong công tác CCHC, Sở GTVT thường xuyên rà soát, cập nhật 136 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của Sở, Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu dễ dàng tra cứu và tiếp cận thông tin. Trong đó, có 113/136 TTHC đã được tiếp nhận và trả kết quả giải quyết tại Trung tâm phục vụ hành chính công, xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; 23 TTHC được giải quyết tại đơn vị chuyên môn gồm các TTHC chung, TTHC thuộc lĩnh vực đăng kiểm, TTHC giải quyết tại các cơ sở đào tạo lái xe. Phối hợp tuyên truyền, triển khai thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Tích cực tuyên truyền người dân và các tổ chức nộp hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 khi có nhu cầu giải quyết TTHC. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và xử lý văn bản. Sau gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU và Kế hoạch số 79/KH-UBND, Sở GTVT đã tiếp nhận tổng số 23.449 hồ sơ giải quyết TTHC tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC – Trung tâm hành chính công tỉnh; đã giải quyết 22.730 hồ sơ, còn 719 hồ sơ đang trong hạn giải quyết. Riêng đối với hồ sơ giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực đăng kiểm Sở đã tiếp nhận và giải quyết đối với 42.603 hồ sơ sử dụng phần mềm chuyên dụng của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Nhờ đó, trong 2 năm liên tục 2021, 2022 Sở GTVT đều xếp thứ 4 về chỉ số CCHC trong khối các sở, ban, ngành của tỉnh.
Cùng với đẩy mạnh công tác CCHC, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành GTVT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh trong việc điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn. Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt bổ sung quy hoạch tuyến đường bộ mới Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển. Như đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị đã nhấn mạnh trong buổi kiểm tra công trường thi công dự án cuối tháng 4 vừa qua, đây là tuyến đường “trọng điểm của trọng điểm”. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác đúng kế hoạch trong năm 2025, tuyến đường bộ mới sẽ là trục động lực phát triển chiến lược, kết nối các tuyến đường tỉnh với hệ thống giao thông của vùng đồng bằng sông Hồng và cả hệ thống đường quốc gia; giảm tải cho Quốc lộ 21 và mở ra cơ hội giao thương, phát triển toàn diện kinh tế – xã hội không chỉ của 6 huyện có dự án đi qua mà cả các địa phương khác trong tỉnh. Cùng với tuyến đường bộ mới, Sở GTVT đã trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh nâng cấp quy hoạch tuyến đường tỉnh 489C, tuyến đường bộ ven biển trong quy hoạch phát triển giao thông đường bộ tỉnh đến năm 2030; trình UBND tỉnh phê duyệt: bổ sung quy hoạch tuyến đường gom hai bên đường cao tốc Bắc – Nam phía đông kết nối liên vùng tỉnh Nam Định đến Hà Nam; Tuyến đường bộ mới thành phố Nam Định – Đường trục phát triển kinh tế biển Nam Định (tuyến tránh giảm tải cho Quốc lộ 10) và tuyến nhánh. Hoàn thành khảo sát, thu thập số liệu lập phương án bổ sung các điểm đấu nối vào các quốc lộ và đấu nối với đường sắt trên địa bàn tỉnh; bổ sung quy hoạch tuyến đường ra Trạm kiểm soát Biên phòng Cồn Lu/Đồn Biên phòng Ba Lạt; quy hoạch tuyến nhánh đường tỉnh 489 trên địa bàn huyện Giao Thủy; thu thập số liệu phương án lập bổ sung phát triển giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Nam Định; khảo sát, thu thập số liệu lập phương án bổ sung kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải đường thủy và hệ thống logistics trong tương lai, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ GTVT bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc (Nhóm 1) thời kỳ 2021-2030; bổ sung bến cảng hàng lỏng khu vực Hải Thịnh tiếp nhận tàu trọng tải đến 7.000 tấn phục vụ kho xăng dầu quy mô 79 nghìn m3; bổ sung quy hoạch thêm 1 bến, cảng khách du lịch trên sông Đào; 1 bến, cảng thủy nội địa trên sông Ninh Cơ tại địa phận xã Hải Ninh (Hải Hậu); bến phao tại vị trí phù hợp trên các sông có tuyến du lịch đường thủy đi qua trên sông Hồng, sông Đào, sông Ninh Cơ, sông Đáy… Quan tâm phát triển hạ tầng giao thông trên cả 3 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa là giải pháp then chốt, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo lợi thế quyết định để tỉnh đẩy mạnh công tác xúc tiến thu hút đầu tư. Mặt khác, sở thường xuyên quan tâm, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao chất lượng vận tải, đổi mới phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin… đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân. Phối hợp với Sở GTVT các địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch các tuyến vận tải hành khách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải phát triển.
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả công tác CCHC, đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian thực hiện đồng thời đảm bảo công khai, minh bạch thông tin trong giải quyết TTHC tạo thuận lợi theo đúng mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các đợt tập huấn để các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chuyên ngành kịp thời cập nhật thông tin; nắm bắt tình hình để từ đó tạo điều kiện tốt nhất, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đầu tư bổ sung trang thiết bị đồng bộ về hạ tầng công nghệ thông tin, đảm bảo ổn định, làm cơ sở thực hiện Đề án xây dựng Chính phủ điện tử và các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước về GTVT. Chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT, các sở, ngành, địa phương để làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh quản lý, thực hiện và phát triển hệ thống hạ tầng GTVT nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển toàn diện kinh tế – xã hội của tỉnh./.
Bài và ảnh: Thành Trung