Theo nhận định của ngành Hải quan, hoạt động xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn bởi một số nguyên nhân khách quan. Số thu ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong 4 tháng vừa qua. Hiện Chi cục Hải quan đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, từ đó góp phần tăng khả năng hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023 do Bộ Tài chính và HĐND tỉnh giao.
Giảm thu 10,4% so với cùng kỳ
Theo báo cáo mới nhất của Chi cục Hải quan Ninh Bình, số thu ngân sách Nhà nước do ngành Hải quan quản lý trong tháng 4 là 301 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 28/4/2023 là 1.743 tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân số thu giảm được ngành Hải quan nhận định trước tiên là do số lượng tờ khai và tổng trị giá xuất, nhập khẩu chịu thuế giảm. Trong 4 tháng đầu năm có hơn 200 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Ninh Bình, bao gồm các loại hình: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp chế xuất, công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân… Số lượng tờ khai hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Chi cục quản lý giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước với lượng tờ khai xuất khẩu giảm 7,8%, lượng tờ khai nhập khẩu tăng 5,6%.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước 20,7%, chỉ đạt 1.614 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu chịu thuế đạt 790 triệu USD, giảm 26,8% và kim ngạch xuất khẩu chịu thuế đạt 824 triệu USD, giảm 13,8%. Nhiều mặt hàng chủ lực có xu hướng giảm so với cùng kỳ như: linh kiện điện tử, linh kiện phụ tùng ô tô, vải và phụ liệu may mặc, phụ liệu sản xuất giày dép…
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa làm cho số thu ngân sách lĩnh vực xuất, nhập khẩu giảm do thực hiện các chính sách hoàn thuế theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP của Chính phủ với tổng số tiền đã hoàn trong 4 tháng là hơn 964 tỷ đồng. Trong đó 959 tỷ đồng là hoàn thuế nộp thừa do doanh nghiệp đủ điều kiện áp dụng chương trình ưu đãi thuế đối với linh kiện nhập khẩu để sản xuất lắp ráp ô tô trong nước; 5 tỷ đồng hoàn thuế các khoản hoàn khác theo quy định.
Cũng theo ngành Hải quan đánh giá, yếu tố tác động đến số thu ngân sách còn là việc thực hiện lộ trình cắt giảm thuế quan đã cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành 17 biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi để thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2027. Như vậy, ngay trong năm 2023, nhiều mặt hàng nhập khẩu có thuế suất cao đã cắt giảm thuế và sẽ còn giảm sâu hơn trong các năm sau.
Tạo thuận lợi thông quan hàng hóa
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Ninh Bình cho biết: Nhận diện rõ những khó khăn, thách thức và yếu tố tác động đến kết quả thu ngân sách hiện nay, Chi cục đang tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động xuất, nhập khẩu và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, tạo thuận lợi thương mại và các hoạt động xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian, chi phí thông quan hàng hóa. Đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quốc tế, quy trình quản lý hải quan hiện đại nhằm tạo thuận lợi tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo giám sát, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Rà soát, kiểm tra hồ sơ và hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện sản xuất lắp ráp xe ô tô và chương trình công nghệ hỗ trợ sản xuất lắp ráp xe ô tô.
Chi cục tổ chức tuyên truyền và thực hiện nghiêm tuyên ngôn phục vụ khách hàng với phương châm “Chuyên nghiệp – Minh bạch – Hiệu quả”. Quán triệt cán bộ, công chức trong đơn vị nói không với hành vi sách nhiễu, phiền hà, lợi dụng chức vụ thực hiện vụ lợi cá nhân, tham nhũng. Thường xuyên nắm chắc tình hình và duy trì tốt hoạt động của Tổ giải quyết vướng mắc nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục và thông quan hàng hóa.
Ngoài ra, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Hải quan cũng thực hiện tốt các giải pháp chống thất thu thuế qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện thủ tục hải quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra nội bộ, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; chủ động rà soát, phân loại, thu hồi và xử lý nợ thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra… Đồng thời thực hiện nghiêm các quy định về thu, nộp thuế, miễn giảm, hoàn thuế; rà soát các trường hợp sử dụng hàng hóa không đúng mục đích, không chịu thuế, miễn thuế, hoàn thuế để kịp thời ấn định thuế.
Bài, ảnh: Hồng Giang