Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải tại cuộc họp trực tuyến Ban chỉ đạo phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh (IUU) diễn ra sáng 17/5. Dự họp, có các thành viên Ban chỉ đạo và lãnh đạo các huyện, thị xã ven biển trong tỉnh.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT đã báo cáo tóm tắt công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá, ngư dân trong tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo sát sao, liên tục gắn trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và người đứng đầu các sở, ngành, các lực lượng liên quan, địa phương, các tổ chức đoàn thể. Qua đó, đã hạn chế, giảm thiểu tình trạng này qua từng năm, trong đó khoảng gần 2 năm (tháng 7/2019 đến giữa năm 2021) không phát hiện tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021 đến nay đã xảy ra 8 vụ/9 tàu/69 ngư dân vi phạm bị nước ngoài bắt giữ. Riêng 5 tháng đầu năm 2023, xảy ra 1 vụ/1 thuyền/7 lao động bị Malaysia bắt giữ. Đáng lưu ý các tàu cá này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoài tỉnh, ít khi về địa phương nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng và địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển. Thực hiện lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Triển khai cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Tính đến ngày 12/5/2023, toàn tỉnh có 1.941/1.961 tàu cá chiều dài từ 15m trở lên đã thực hiện lắp đặt thiết bị VMS, đạt 99%. Các đơn vị đã xử phạt 137 trường hợp vi phạm/thu phạt 906,7 triệu đồng. Tuy vậy, việc xử lý vi phạm khai thác IUU vẫn còn hạn chế, chưa nghiêm; nhiều hành vi vi phạm được EC khuyến nghị như hoạt động khai thác không có giấy phép hoặc giấy phép hết hạn; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác; không khai báo khi ra vào cảng cá; tàu cá mất kết nối VMS trên biển… còn phổ biến nhưng xử lý rất ít hoặc chưa xử lý.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải nhấn mạnh, việc quản lý trên biển khó khăn gấp nhiều so với trên bờ, nhưng với mục tiêu phát triển nghề cá bền vững, các thành viên BCĐ cần nỗ lực hơn nữa trong lãnh, chỉ đạo. Bằng mọi biện pháp kiên quyết không để tàu cá, ngư dân tiếp tục vi phạm vùng biển nước ngoài trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực BCĐ, phối hợp thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống IUU. Chỉ đạo, phân công các đơn vị trực thuộc tăng cường quản lý, vận hành, phát huy hiệu quả hệ thống giám sát VMS. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa tỉnh Bình Thuận và các tỉnh, thành ven biển khác nhằm giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại. Sớm rà soát, kiện toàn BCĐ IUU trong tháng 5 này. Ngoài ra, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động hoàn thiện tốt các công việc liên quan để đón đoàn Thanh tra EC về kiểm tra trong tháng 10/2023.
Đối với BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, đề nghị sớm xác minh và làm rõ hành vi vi phạm đối với những chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên vi phạm vùng biển nước ngoài từ 2020 đến nay, trong đó vụ ở xã Tân Xuân cần hoàn thành trong tháng 5. Làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với địa phương, nhất là những địa phương không có biển, xác định nhóm đối tượng có nguy cơ cao vi phạm IUU để giám sát và phát hiện kịp thời. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho ngư dân nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng tái phạm…